Khác với quan niệm kiêng uống thuốc, tránh ăn cay vào đầu năm của người hiện đại, mâm cơm đón Tết của người Trung Quốc xưa lại có đủ những thứ này.
Tại Trung Hoa xưa, hoàng tộc và bách tính từ lâu đã có tập tục thưởng thức những món đặc biệt chỉ dành riêng cho ngày đầu xuân năm mới.
Nhắc đến phong tục độc đáo của người Trung Quốc trong dịp Tết cổ truyền, ta khó có thể bỏ qua những đặc sắc về ẩm thực chào xuân của người dân nước này.
Khác với mâm ngũ quả và những thức quà thời hiện đại, trên mâm cơm đầu năm của người Trung Quốc xưa, từ rượu, canh, món mặn cho tới điểm tâm, thuốc bổ đều có cả. Hơn nữa, mỗi loại thức uống, đồ ăn vào dịp đầu năm này đều hàm chứa một ý nghĩa riêng biệt.
Rượu Tiêu Bách
Đúng như tên gọi của mình, loại rượu này được làm từ hoa tiêu và lá cây bách. Hai loại nguyên liệu này có thể đem đi ủ riêng rồi pha vào nhau, hoặc có thể dùng chung để cùng nấu rượu.
Hoa tiêu mang lại hương vị thơm ngon, khi uống vào cảm giác nhẹ và lâu say, còn lá cây bách từ xa xưa đã được cổ nhân ví như tiên dược phòng bách bệnh.
Cổ nhân tin rằng đầu năm uống rượu Tiêu Bách có thể phòng bệnh, sống lâu. Từ thời nhà Minh, loại rượu này cũng trở thành thức uống không thể thiếu trong mỗi dịp đón năm mới ở vùng Sơn Đông, Chiết Giang, Gia Hưng.
Uống rượu Tiêu Bách vào đầu năm là phong tục đã xuất hiện từ lâu trong văn hóa Trung Hoa. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).
Canh đào
Để nấu được một bát canh đào, người xưa cất công lựa chọn từng chiếc lá, chiếc cành, từng đoạn thân cây để chế biến mà thành. Trung y cho rằng đào là "tinh" trong ngũ hành. Vì vậy uống canh đào vào đầu năm được tin là có thể tránh tà khí, quản bách quỷ.
Canh đào thời xưa làm từ lá và gỗ của cây đào. Ngày nay, cách nấu canh đào đã có nhiều thay đổi để phù hợp với khẩu vị của người hiện đại. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Rượu Đồ Tô
Tương truyền rằng, rượu Đồ Tô là sáng chế của thần y Hoa Đà thời nhà Hán.
Nói về Công dụng của rượu Đồ Tô, Trần Diên trong "Tiểu phẩm phương" từng nhận định: "Rượu này uống vào Tết Nguyên đán, tránh được tất thảy các bệnh tà xâm nhập".
Trong y tịch nổi tiếng "Bản thảo cương mục", Lý Thời Trân cũng từng nhận xét về loại rượu này rằng: "Uống vào Nguyên Đán, tránh được bệnh tật".
Bấy giờ y học chưa phát triển, lại thêm dịch bệnh tràn lan đe dọa sức khỏe của muôn dân trăm họ. Vì vậy, mọi người đầu năm đều có thói quen uống rượu Đồ Tô với mong muốn cả năm khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh tật.
Trên thực tế, rượu Đồ Tô được làm từ 8 vị thuốc, công hiệu chủ yếu là thanh nhiệt, tán phong, kiện tỳ, trừ thấp, hoàn toàn không có tác dụng phụ đối với cơ thể. Cho tới ngày nay, công thức để nấu ra loại rượu này vẫn được lưu truyền và sử dụng rộng rãi.
Cũng giống như rượu Tiêu Bách, rượu Đồ Tô cũng được cổ nhân uống vào dịp đầu năm với mong muốn thân thể khỏe mạnh, phòng tránh bệnh tật. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Kẹo Giao Nha
Loại kẹo này dùng lúa mạch hoặc mầm đậu trộn cùng một số nguyên liệu khác để tạo thành loại đường có độ dính và mềm.
"Kinh sở tuế thời ký" ghi lại, kẹo Giao Nha mang ngụ ý "giúp răng chắc khỏe, không lung lay". Cổ nhân thường ăn loại kẹo này vào đầu năm với hy vọng sống lâu trăm tuổi. Bởi họ tin rằng răng có chắc thì mới có thể ăn nhiều, từ đó giúp cho thân thể thêm phần khỏe mạnh.
Đến thời Nam Tống, loại kẹo này chỉ còn được làm trong hoàng cung. Sau này, phong tục ăn kẹo giao nha vào đầu năm cũng không còn thịnh hành như xưa.
Ngày nay, kẹo giao nha vẫn được sản xuất và bày bán rộng rãi. Nhưng phong tục ăn loại kẹo này vào dịp đầu năm để cầu sức khỏe, trường thọ đã trở nên ít dần. (Ảnh: Nguồn Internet).
Mâm Ngũ Tân
Tên gọi này dùng để chỉ 5 loại thức ăn có tính cay, bao gồm hành, tỏi, rau hẹ, rau cải và rau răm. Mâm cơm năm mới của người Trung Hoa xưa thường bày thêm mâm Ngũ Tân và coi đó là các món ăn kèm vào ngày Tết.
Mâm Ngũ Tân xuất hiện từ thời Ngô Tấn và được ghi lại trong cuốn "Phong Thổ ký". Theo đó, cổ nhân tin rằng sáng mùng 1 ăn 5 loại thức ăn có tính cay kể trên trên sẽ tốt cho ngũ tạng, giúp "phát ngũ tàng khí".
Nếu mâm ngũ quả mang nhiều tầng ý nghĩa thì mâm Ngũ Tân chủ yếu được cổ nhân dùng trong bữa cơm đầu năm với mong muốn cầu chúc sức khỏe. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Phu Vu tán
Loại thuốc này được điều chế từ bách tử nhân, ma nhân, tế tân, gừng khô, phụ tử... giã nát nhuyễn rồi hợp thành. Muốn dùng Phu Vu tán, người uống nhất định phải dùng nước giếng sạch trong để sắc.
Khác với người hiện đại mang quan niệm "kiêng thuốc" đầu năm, người xưa thường xem thuốc bổ như một món không thể thiếu trong những ngày Tết. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).
Khước Quỷ hoàn
Khác với Phu Vu tán dùng để uống, Khước Quỷ hoàn được điều chế từ dược liệu nhưng lại được dùng để đeo trên tay nhằm phục vụ cho mục đích tâm linh.
Giai thoại về Khước Quỷ Hoàn từng được ghi lại trong "Kinh sở tuế thời ký". Chuyện kể rằng, khi xưa có người ở Giang Hạ sáng sớm vào thành, nhìn thấy một thư sinh kỳ lạ.
Người thư sinh này chỉ cần đi đến đây, quỷ quái trong thành đều tìm cách tránh xa. Người kia thấy vậy liền hỏi xem thư sinh dùng thuật gì để tránh quỷ.
Thư sinh nói rằng bản thân mình vốn chẳng biết thứ thuật gì, chỉ đến chỗ thầy thuốc xin một viên Khước Quỷ Hoàn, sau đó bọc vào túi nhỏ đeo ở trên tay.
Tương truyền rằng, mỗi viên Khước Quỷ Hoàn được làm từ hùng hoàng. Vào ngày đầu năm, nam thì đeo Khước Quỷ Hoàn lên tay trái, nữ giới đeo bên tay phải có thể tránh được tà ma quỷ quái, tránh vận xui rủi.