Tần Thủy Hoàng – vị hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa, sau khi thống nhất và cai trị giang sơn, ông ngày càng khát khao trường sinh bất lão.
Câu chuyện tìm kiếm phương thuốc trường sinh bất lão nghe có vẻ hoang đường nhưng có thật. Công cuộc tìm kiếm phương thuốc kéo dài 10 năm.
Tần Thủy Hoàng yêu cầu tất cả ngự y, thầy phù thủy và hiền tài trong nước ra sức tìm kiếm phương thuốc làm ông sống thọ cùng trời đất, phá vỡ quy luật tự nhiên "sinh – lão – bệnh - tử" vì ông rất sợ khi chết đi, nằm dưới nấm mộ lạnh lẽo, phải từ bỏ giang sơn của mình.
Đáng ngạc nhiên là các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số bằng chứng trùng hợp với câu chuyện Tần Thủy Hoàng tìm kiếm phương thuốc trường sinh.
Từ Phúc và núi Trường Sinh...
Cách đây vài năm, các nhà khảo cổ đã tìm thấy đoàn thuyền bằng gỗ và chiếu chỉ ra lệnh phải tìm kiếm phương thuốc trường sinh.
Tuân lệnh Tần Thủy Hoàng, các bậc hiền tài đã ra sức tìm kiếm và bào chế phương thuốc trường sinh. Song, có người buộc phải thừa nhận thất bại. Có người gửi cho hoàng đế thảo mộc lấy từ núi ở quê nhà, có tác dụng giúp con người sống lâu.
Phương sĩ Từ Phúc được mời vào cung Tần Vương và tự nguyện đến hòn đảo Phùng Lai ngoài biển Thái Bình Dương để tìm thuốc trường sinh bất lão cho Tần Thủy Hoàng.
Ông cần con thuyền lộng lẫy và 6.000 nam nữ trinh nguyên làm vật hiến tế. Trong khi lúc này, Tần Thủy Hoàng sẵn sàng làm tất cả, trả mọi giá để được sống trường thọ.
Tần Thủy Hoàng giong thuyền ra đảo mang theo mọi thứ Từ Phúc yêu cầu. Trước khi rời khỏi đảo, Tần Thủy Hoàng khắc mấy chữ lên đá: "Ta đã đến đây, khắc chữ lên đá". Qua hơn 2.000 năm, dấu tích chữ trên đá vẫn còn đến ngày nay.
Hoàng đế sẽ chết
Thực ra Từ Phúc không luyện thuốc trường sinh cho Tần Thủy Hoàng. Ông ta nói vậy để lấy thuyền lớn xa hoa và 6.000 nam nữ trinh nguyên rồi ở lại đảo hưởng lạc và xây dựng đế chế riêng.
Tần Thủy Hoàng và cung tần mỹ nữ.
Tần Thủy Hoàng trở về cung nóng lòng chờ đợi tin tức từ Từ Phúc. Nhưng 3 năm sau, vẫn không thấy thuốc trường sinh, Tần Thủy Hoàng đành chấp nhận rồi mình sẽ chết.
Trong nỗ lực cuối cùng, Tần Thủy Hoàng cho 4 người đi tìm thảo dược kéo dài sự sống. Cuối cùng, chỉ có một người trở về nhưng chẳng có thứ thuốc nào. Ba người kia sợ phải chịu tội vì không tìm thấy thuốc, đã trốn mất.
Tần Thủy Hoàng sợ sự già nua xấu xí đến nỗi cho xây đường đi, cung cấm đặc biệt để ông không lộ mặt ra ngoài. Các cửa sổ đều có rèm che kín. Những người thân cận với hoàng đế đều phải chết.
Cái chết của các hiền tài
Năm 211 trước CN, 8 năm sau khi Từ Phúc ra đảo, một thiên thạch rơi xuống hạ lưu sông Hoàng Hà, cùng mấy chữ khắc trên đá rằng "hoàng đế sẽ chết, giang sơn sẽ được phân chia lại".
Tần Thủy Hoàng lo sợ, ráo riết tìm người đã viết những chữ đó, nhưng không có kết quả. Sau đó, thiên thạch tự nát vụn ra, những chữ đó cũng biến mất.
Khi có tin đồn những người luyện thuốc trường sinh bất lão đều thất bại, Tần Thủy Hoàng đã nổi trận lôi đình gọi những bậc hiền tài là "đồ vô dụng". Họ không làm được gì, chỉ nói khoác lác trước mặt hoàng đế. Trong đó, một số người tự xưng là thầy phù thủy có phép thuật.
Tần Thủy Hoàng ra lệnh thử thách họ, nếu thực sự họ có tài thì họ sẽ sống sót. 460 hiền tài bị triệu tập vào kinh thành. Một cái hố lớn đã chờ sẵn. Họ bị ném vào đó chôn sống. Nếu họ có phép thuật thật sự sẽ tự thoát thân được.
Cuộc chiến với thủy quái
Sau 9 năm chờ đợi tin tức của Từ Phúc, Tần Thủy Hoàng trở lại đảo Phùng Lai. Từ Phúc quỳ mọm dưới chân ông tạ lỗi và thưa rằng: đã đi tìm thảo dược để luyện thuốc trường sinh, nhưng bị thủy quái khổng lồ chặn đường. Ông cần chi viện thêm người để tiêu diệt thủy quái.
Đảo Phùng Lai.
Lần này, đích thân Tần Thủy Hoàng mang nỏ đi để tiêu diệt thủy quái. Từ Phúc đành chấp nhận lên thuyền ra khơi tìm thủy quái với hoàng đế dù ông không biết có thủy quái nào ngoài kia.
May thay cho Từ Phúc, đã gặp con cá voi nổi lên mặt biển. Từ Phúc nhận đó là thủy quái đã chặn đường ông. Tần Thủy Hoàng giương cung bắn con cá voi chết luôn. Hoàng đế khắc vài chữ lên đá đại ý là "đã đến với Từ Phúc, bắn chết cá lớn".
Hoàng đế "bất tử" qua đời sớm và sai lầm lớn nhất đời
Từ Phúc lái thuyền đi lần cuối, hứa trở lại đảo. Nếu ông không luyện được thuốc sẽ bị chịu tội chết. Rồi ông đi thuyền về hướng đông, mất hút từ đó.
Tần Thủy Hoàng trên đường hồi cung đã bị ốm. Ông uống thuốc của một trong những pháp sư đã luyện thuốc trường sinh, bị nhiễm độc thủy ngân quá liều và qua đời ngay lập tức.
Các cận thần cố gắng che giấu hoàng đế đã chết càng lâu càng tốt. Ông được đưa về kinh thành bằng kiệu che kín và ngụy trang bằng cá ươn để giấu mùi tử thi. Thậm chí, hoàng đế vẫn được dựng ngồi trong kiệu với thức ăn như thể đang ăn.
Kiệu của Tần Thủy Hoàng.
Tuy nhiên, không thể che giấu được lâu sự thật là hoàng đế đã chết. Không bao lâu sau, nội chiến bùng nổ. Giang sơn mà Tần Thủy Hoàng dày công quy về một mối, lại bị phân chia ra.
Chỉ sau 3 năm, triều đại mà ông nguyện gìn giữ qua 10.000 thế hệ đã tan tác. Hoàng đế chỉ hưởng thọ được 49 tuổi. Sinh thời, ông chưa bao giờ chọn người kế vị vì luôn tin rằng mình sẽ trường sinh. Và đó được xem là sai lầm lớn nhất của vị vua nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa.
Nguồn bài và ảnh: Ancient Origins