Theo Korea Times, bất chấp việc chưa đạt được thỏa thuận với Tổng thống Donald Trump, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội vẫn là thành công về hình ảnh của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Trong bài viết hồi tháng 10/2018, hãng tin Yonhap cho hay, Triều Tiên có nguồn tài nguyên khoáng sản ước tính trị giá 3,795 nghìn tỷ Won tức 3,3 nghìn tỷ USD (tính theo giá thị trường năm 2018), con số này gấp khoảng 15 lần so với Hàn Quốc.
Yonhap cũng dẫn thông tin từ Tập đoàn Khoáng sản Hàn Quốc (KRC) cho biết, Triều Tiên sở hữu trữ lượng mangan 6 tỷ tấn, than chì 2 triệu tấn, sắt 5 tỷ tấn, vonfram 250.000 tấn. Thậm chí, trữ lượng mangan của nước này được cho là đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, và trữ lượng vonfram đứng thứ 6 thế giới.
Cũng theo KRC, Bình Nhưỡng đã ký 40 thỏa thuận đầu tư liên quan đến khoáng sản với các công ty nước ngoài, 90% trong số đó là công ty Trung Quốc.
Nhà phân tích của ngân hàng Credit Suisse có trụ sở tại Thụy Sĩ, bà Trang Thuy Le ước tính Triều Tiên có thể trở thành nền kinh tế có quy mô 100 tỷ USD trong vòng 10 năm nếu quốc gia này đi theo con đường hiện đại hóa.
Cũng theo bà Le, một số chuyên gia công nghiệp nhận định Triều Tiên còn đang nắm trong tay số lượng lớn tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác.
“Công ty khai thác than quốc doanh của Hàn Quốc Korea Resources ước tính trữ lượng tài nguyên gồm than, quặng sắt, nhôm, chì, kẽm và các nguyên liệu hiếm của Triều Tiên có giá trị lên tới 6 ngàn tỷ USD”, bà Le cho hay con số này cao hơn GDP năm 2016 của Triều Tiên (32 tỷ USD) tới 190 lần.
Ngoài ra, bà Lee cũng nhận định, Triều Tiên có thể học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc trong thập niên 70, Trung Quốc hồi đầu những năm 1990 và Việt Nam vào cuối thập niên 90 để làm bài học phát triển kinh tế”. Với những kinh nghiệm trên, Triều Tiên có thể đạt mức tăng trưởng hàng năm lên tới 7-8%.