Không quân Mỹ đã sử dụng hơn 20.000 quả bom và tên lửa trong chiến dịch chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS và đang tìm kiếm khắp thế giới để có thêm vũ khí cũng như tiền bạc để mua chúng.
Đài Sputnik của Nga đưa tin chiến dịch chống Daesh (IS) bắt đầu từ tháng 8/2014 ở Iraq và lan rộng sang Syria 1 tháng sau đó.
Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah Lee James tuyên bố: "Chúng ta đang làm nhiệm vụ tiêu diệt những kẻ khủng bố và nhiệm vụ vẫn đang được thực hiện tốt. Chúng ta cần bổ sung kho đạn dược. Phải mất nhiều năm để sản xuất ra các loại vũ khí, từ khi hợp đồng được ký cho tới khi chúng ra khỏi dây chuyền sản xuất".
Theo tờ USD Today, Không quân Mỹ đã thực hiện hầu hết các đợt không kích bằng cách sử dụng một loạt chiến đấu cơ, từ các máy bay không người lái một cánh quạt Predator cho tới các máy bay ném bom B-1.
"Chúng ta đang dùng đạn nhanh hơn việc bổ sung. Các máy bay B-1 đã ném đi số lượng bom kỷ lục. F-15E đang được đưa vào cuộc chiến vì chúng có thể sử dụng hàng loạt vũ khí và có sự linh hoạt tuyệt vời", Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Tướng Mark Welsh tuyên bố.
"Chung tôi cần nguồn vốn tại chỗ để đảm bảo chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài. Đây là một nhu cầu quan trọng", ông nói.
Mỹ tiến hành không kích IS từ tháng 8/2014 tại Iraq. Ảnh: AP |
Lầu Năm Góc đã tăng cường các cuộc không kích vào Daesh/IS kể từ mùa hè năm nay. Trong tháng 7,8, một nửa số chiến đấu cơ đã trở lại căn cứ mà không thả vũ khí, Đại tá Steve Warren, phát ngôn viên quân đội Mỹ tại Baghdad cho biết. Con số này đã tăng lên 60% hồi tháng 10 và 65% vào tháng 11, tờ USA Today đưa tin.
Ông Warren cho biết: "Chúng tôi đang tấn công IS trên nhiều mặt trận. Chúng tôi đã tấn công các chiến binh của chúng ở Syria và Iraq, nhắm vào khả năng tài trợ các hoạt động bất hợp pháp và đê hèn của chúng".
Các cuộc không kích đã làm cạn kho vũ khí của Mỹ, Trung tá Chris Karns, một phát ngôn viên của Không quân Mỹ cho biết.
Quân đội Mỹ cũng đã phân phối một số tên lửa Hellfire, là vũ khí chính trên các máy bay không người lái. Trong năm tài chính 2015, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt chi thêm 400 triệu USD cho 4.000 tên lửa Hellfire.
Sự thiếu hụt vũ khí một phần do bản thân nước Mỹ, ông Loren Thompson, một nhà tư vấn công nghiệp quốc phòng và phân tích quân sự tại Viện Lexington cho biết.
Ông Thompson nói với USA Today rằng: "Quốc hội đã giới hạn chi tiêu quốc phòng từ năm 2012 và Lầu Năm Góc thì đã cố để tiết kiệm tiền chi cho đạn dược và tên lửa".
"Các cuộc không kích của Mỹ chống lại IS không dữ dội vì vậy, nếu nguồn cung tên lửa cạn kiệt thì điều đó cho thấy chúng không được mua đủ mà thôi. Việc giảm bớt tiền mua vũ khí và tên lửa trong thời bình luôn là một sự cám dỗ nhưng điều này lại có thể tạo ra sự thiếu trang bị quân sự khi các mối đe dọa phát sinh".
Bảo Linh (theo Sputnik)