"Nó giống như một con quái vật khổng lồ trong lòng đất, rượt đuổi theo chúng tôi. Lần cuối cùng tôi nhìn thấy em gái, tôi chỉ có thể thấy đầu của nó, từ phần cổ trở xuống đã ngập trong bùn đất", một nhân chứng hoảng loạn kể lại.
Tờ Straits Times đưa tin cho hay sau thảm họa kép động đất và sóng thần ở Indonesia, người dân lại bàng hoàng chứng kiến cảnh mặt đất "hóa lỏng" nuốt chửng nhà cửa trong động đất ở Indonesia.
"Nó giống như một con quái vật khổng lồ trong lòng đất, rượt đuổi theo chúng tôi. Lần cuối cùng tôi nhìn thấy em gái, tôi chỉ có thể thấy đầu của nó, từ phần cổ trở xuống đã ngập trong bùn đất", Wulansari, một sinh viên 18 tuổi, cư dân trên đảo Sulawesi, cho biết với Straits Times khi hồi tưởng lại khoảnh khắc kinh hoàng mặt đất hóa lỏng nuốt chửng người và nhà cửa.
Cảnh tan hoang sau thảm họa kép ở Indonesia. Ảnh: Straits Times |
Petobo, ngoại ô thành phố Palu trên đảo Sulawesi, có thể gọi là "ngôi làng bị nuốt chửng" sau khi hơn 700 ngôi nhà bị phá hủy, chủ yếu bị chôn vùi bởi trận động đất 7,5 độ Richter hôm 28/9.
Những người dân may mắn sống sót ở Petobo mô tả trận động đất giống một sinh vật khổng lồ di chuyển dưới lòng đất khi họ tìm cách chạy thoát thân. Một số người bị hất tung lên không trung trong khi một số người khác bất lực nhìn hàng xóm của họ bị chôn vùi dần trong bùn lầy khi mặt đất hóa lỏng nhanh chóng.
"Tôi cố dùng tay phải để bám vào một khúc gỗ, còn tay trái làm tay chèo để di chuyển qua bùn lầy. Cảnh này kéo dài khoảng vài phút, quần áo tôi rách tả tơi. Tôi gần như trần trụi khi được cứu", cô Sunarti cho biết.
Một người dân địa phương khác, Wahid, 40 tuổi, nói: "Mặt đất trồi lên sau đó chúng tôi nhìn thấy bùn lầy. Nó khiến mọi người hoảng sợ. Bùn lầy cuốn trôi cả đất đá, cây cối".
Ông Abas Ismail, 52 tuổi, cho biết ông chứng kiến một nhà thờ và một ngôi nhà hàng xóm bị hất tung cao ngang tầm cây dừa trước khi rơi trở lại và bị chôn vùi. "Mặt đất chuyển động giống như một đợt sóng, nhưng âm thanh giống tiếng mưa rơi", ông Abas nhớ lại.
Sóng thần tuy không thể cuốn trôi Petobo, nhưng ngôi làng này lại thiệt hại nặng nề do hiện tượng đất hóa lỏng, một trong những hiện tượng nguy hiểm xảy ra do động đất mạnh.
Khi phóng viên của Straits Times tới thăm ngôi làng, anh Iwan Said, 37 tuổi, một công chức ở đây, cho biết anh nhận thấy ngôi nhà của mình đã bị xê dịch khỏi vị trí ban đầu khoảng 1km cùng với nhà của hàng xóm.
Động đất mạnh 7,5 độ Richter tấn công đảo Sulawesi chiều 28/9, kéo theo sóng thần cao đến 6m.
Thảm họa kép khiến gần 1.350 người thiệt mạng, trong khi hàng nghìn người bị thương và mất tích, hàng triệu người cần cứu trợ nhân đạo. Con số thương vong được dự báo sẽ còn tăng tiếp khi lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân mắc kẹt trong các đống đổ nát ở những ngôi làng bị xóa sổ gần như hoàn toàn bởi động đất, sóng thần.
Minh Di (tổng hợp)