Chiến dịch được xây dựng dựa trên quan niệm Nhân - Quả của Phật giáo, gửi tới nhóm đối tượng là những người sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã thông điệp rằng việc sử dụng động vật hoang dã trái pháp luật là hành vi tạo nghiệp và sẽ phải chịu quả báo trong tương lai. Chiến dịch khẳng định việc sử dụng động vật hoang dã vào các mục đích tâm linh và thể hiện đẳng cấp không đem lại sự bình yên và không thể hiện được vẻ đẹp trong lối sống của người dùng.
Hành vi mua bán và sử dụng trái phép các sản phẩm có nguồn gốc từ ngà voi và tê tê trực tiếp đe dọa đến sự sinh tồn của các loài hoang dã và sự cân bằng của hệ sinh thái. Thông qua đó, chiến dịch khuyến khích nhóm đối tượng này chấm dứt hành vi vi phạm vô nhân đạo bao gồm mua bán, tiêu thụ và tặng, cho các sản phẩm từ động vật hoang dã để loại trừ nghiệp chướng.
Chiến dịch 'Ngưng Tạo Nghiệp' được thực hiện trong hai giai đoạn. Giai đoạn 1 kéo dài từ tháng 11/2020, tập trung thu hút và nâng cao sự quan tâm của nhóm đối tượng người sử dụng và cộng đồng về những yếu tố nhân - quả, nghiệp báo của hành vi mua bán và tiêu thụ trái phép các sản phẩm có nguồn gốc từ ngà voi và tê tê.
Giai đoạn 2 nối tiếp đến năm 2021 với chuỗi các hoạt động tương tác truyền cảm hứng nhằm khuyến khích các đối tượng mục tiêu thực hiện hành động cụ thể, thực tế và có trách nhiệm để chung tay giúp hồi sinh các loài voi và tê tê.
Chiến dịch cũng sẽ hỗ trợ việc thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 7/2020 về một số biện pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã tại Việt Nam.
Ông Rober Layng, Trưởng phòng Môi trường và Năng lượng của USAID tại Việt Nam chia sẻ: "Chiến dịch 'Ngưng tạo nghiệp' là chiến dịch thay đổi hành vi xã hội rất có ý nghĩa, khơi gợi sự thay đổi trong nhận thức và hành động của cộng đồng trong việc chung tay bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên và các loài động vật hoang dã. Chúng tôi hy vọng chiến dịch sẽ góp phần đánh động mạnh mẽ và thức tỉnh mọi người thay đổi suy nghĩ và hành vi của mình trước khi quá muộn, để tình trạng tiêu thụ bất hợp pháp các sản phẩm từ các loài hoang dã sẽ sớm chấm dứt.
Chúng tôi cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, những người đóng vai trò quan trọng quyết định sự thành công của chương trình sẽ chung tay thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội về bảo vệ động vật hoang dã. Hành động này cũng sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao đạo đức kinh doanh, uy tín và từ đó tăng tính cạnh tranh trên thương trường".
Bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc Cơ quan Thẩm quyền Quản lý CITES Việt Nam đồng thời cho biết: "Trên thực tế, việc sử dụng sản phẩm từ voi và tê tê để thể hiện đẳng cấp chỉ là thói quen cá nhân vị kỷ. Chiến dịch truyền thông này khai thác trực tiếp khía cạnh tâm linh và quan niệm về nghiệp chướng để truyền tải thông điệp đến nhóm đối tượng mục tiêu. Chúng tôi hy vọng thông điệp của chiến dịch sẽ đánh động đến các đối tượng mục tiêu và kêu gọi ngăn chặn các hành vi sai trái này để bảo vệ động vật hoang dã".
Voi và tê tê là những mắt xích không thể thiếu của hệ sinh thái tự nhiên, chúng thuộc về thiên nhiên. Hành động mua bán, sử dụng, tặng, cho các sản phẩm từ voi và tê tê đáng bị lên án và chấm dứt!