Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, trong năm 2014, các máy bay ném bom tầm xa và máy bay tiếp dầu Nga bắt đầu thường xuyên hạ cánh tại các sân bay nước ngoài; trong đó, lần đầu tiên máy bay tiếp dầu của nước này sử dụng sân bay Cam Ranh của Việt Nam.
"Thông qua việc sử dụng máy bay tiếp dầu từ các sân bay ở Nam Phi và Đông Nam Á, máy bay tầm xa đã vươn tới các vùng biển Địa Trung Hải và Biển Đông. Cũng trong năm 2014, lần đầu tiên sân bay Cam Ranh (Việt Nam) được sử dụng để hạ cánh máy bay IL-78, tiếp dầu trên không cho các máy bay Tu-95MS", thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Mục đích tàu chiến Nga cập cảng Cam Ranh là bổ sung thực phẩm và nước ngọt, nếu cần thiết thì tiến hành các sửa chữa nhỏ.
Thống kê trong năm 2014, các tổ lái thuộc lực lượng máy bay ném bom tầm xa của Không quân Nga đã tiến hành hơn 50 chuyến bay tầm xa.
Cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng Nga cho biết: "Việc thể hiện sự hiện diện quân sự của Nga tại các khu vực xa xôi được khôi phục từ năm 2007. Thực hiện các nhiệm vụ là tổ lái Tu-160 và Tu-95MS, các sư đoàn máy bay tầm xa Engels và Ukrainka. Trên thực tế, các chuyến bay tuần tra đã được khôi phục."
Theo cơ quan trên, kể từ khi nối lại các chuyến bay tuần tra, một lượng lớn công việc đã được thực hiện để chuẩn bị cho cơ cấu bay, thu được những kinh nghiệm bay tầm xa đáng kể tại vùng Bắc cực và vĩ tuyến Nam, khu vực Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
Chiến đấu cơ ném bom Tu-160 của Không quân Nga
Trong khi thực hiện chuyến bay, tổ lái máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS đã đi qua các khu vực khí hậu khác nhau (vùng Biển Philippines và khu vực đảo Mariana). Phi công và nhân viên kỹ thuật đã thu được nhiều kinh nghiệm tổ chức các chuyến bay tiếp dầu từ sân bay nước ngoài, cũng như bảo dưỡng máy bay trong điều kiện khí hậu nhiệt đới.
Việc Không quân tầm xa Nga thực hiện các chuyến bay đến Biển Đông và lần đầu hạ cánh xuống Cam Ranh đã được lên kế hoạch.
Cụ thể, hồi đầu tháng 2/2014, theo truyền thông Nga, để khẳng định vị thế một cường quốc quân sự trên thế giới, Nga đang có kế hoạch trở lại một số nơi chiến lược bên ngoài lãnh thổ Nga, trong đó có thể bao gồm cả căn cứ Cam Ranh tại Việt Nam.
Hồi cuối năm 2013, sau cuộc thảo luận giữa lãnh đạo hai nước Nga và Việt Nam, báo giới đã đưa tin về sự hợp tác trong tương lai giữa hai nước. Và khi đó, người ta biết rằng tại cảng Cam Ranh xuất hiện một căn cứ bảo trì và sửa chữa tàu ngầm.
Trong lần trả lời hãng tin Itar-Tass tháng 6-2014, Đại sứ Việt Nam tại Nga Phạm Xuân Sơn cho biết: “Căn cứ Cam Ranh được chia làm hai phần: dân sự và quân sự. Tàu chiến các nước có thể đi vào địa phận căn cứ nếu chấp hành các thỏa thuận giữa hai bên, tuy nhiên chúng tôi có thể nói nước Nga có quyền ưu tiên tại đây”.
Hiện phía Nga đang giúp Việt Nam huấn luyện các thủy thủ tàu ngầm tại căn cứ Cam Ranh với sự tham gia của hãng công nghệ quân sự từ Saint-Petersburg Avrora JSC.
Cách đây không lâu, chiếc tàu ngầm Kilo 636 mang tên “Đà Nẵng”, chiếc thứ năm trong hợp đồng sáu chiếc cho Việt Nam, đã hạ thủy tại nhà máy đóng tàu Almiralty Verfi tại thành phố Saint-Petersburg.
Theo Yên Yên (tổng hợp)