Theo dự kiến, kính thiên văn lớn nhất thế giới của Trung Quốc sẽ hoàn thành trong tuần này.
Kính thiên văn có tên gọi FAST của Trung Quốc có đường kính là 500m, lớn gấp 30 lần so với kích thước của một sân vận động, triển khai lắp đặt trên vùng núi rộng phía Tây Nam Trung Quốc, và bắt đầu đi vào hoạt động vào ngày 25/9 tới.
Kính thiên văn FAST được các nhà khoa học đặt hy vọng sẽ thu được tín hiệu sóng radio từ một cuộc sống ở những hành tinh khác. Douglas Vakoch – Chủ tịch tổ chức quốc tế METI – một tổ chức săn tìm dấu vết của người ngoài hành tinh, kỳ vọng: “Kính thiên văn khủng của Trung Quốc rất có thể cung cấp những phát hiện mới về sự sống ngoài Trái Đất”.
Hình ảnh cận cảnh của kính thiên văn khổng lồ. |
Nếu như hoạt động bình thường, FAST có thể thiết lập kỷ lục mới với danh hiệu kính thiên văn lớn nhất hành tinh, khi có kích thước lớn gấp đôi chiếc kính thiên văn Arecibo ở Puerto Rico đang giữ danh hiệu hiện nay.
Dự án FAST được nhen nhóm khởi động từ năm 2011 khi các nhà khoa học Trung Quốc muốn ghép 4.450 tấm panel tam giác thành một khối mặt cầu với tổng chi phí lên đến 185 triệu USD.
Ông Vakoch nhận định, kính thiên văn FAST sẽ mở ra kiến thức ới về nguồn gốc của vũ trụ bằng cách tìm ra sự phân bổ của hydro-nguyên nhân chính hình thành các hợp chất cung cấp sự sống trên Trái Đất, cũng như về quỹ đạo chuyển động của các vì sao, sóng hấp dẫn...
Tuy nhiên, tham vọng lớn nhất của các nhà khoa học chế tạo ra chiếc kính thiên văn khủng này là tìm được sự sống của người ngoài hành tinh. Trong buổi phỏng vấn với Tân Hoa Xã, Peng Bo – Giám đốc phòng thí nghiệm kỹ thuật thiên văn NAO, tiềm lực của FAST có thể gấp từ 5 đến 10 lần so với khả năng của các thiết bị hiện hành.
Tuy nhiên, song song với đó, FAST vẫn tồn tại một nhược điểm như các thiết bị hiện hành, đó là chưa thể phát hiện và cảnh báo về những mảnh thiên thạch và tiểu hành tinh có thể lao vào Trái Đất hủy diệt sự sống con người.
Nghiêm Thu