Sau vụ khủng bố Paris đêm 13/11, bệnh viện St Louis như một bệnh viện dã chiến: hàng trăm y bác sĩ quanh thành phố đã phải chạy đua với thời gian để cứu người bị nạn.
Nhồi nhét trong một căn phòng nhỏ bé với những nạn nhân đẫm máu đang phải chiến đấu để sinh tồn, các y bác sĩ đã nỗ lực không mệt mỏi, chạy đua với thời gian để cứu những người bị thương trong vụ cuồng sát của Nhà nước Hồi giáo tối Thứ sáu ngày 13/11.
Bức ảnh ấn tượng chụp tại bệnh viện St Louis, Paris cho thấy đội ngũ bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ, y tá đã nỗ lực hết sức trong cuộc chiến cứu sống những người bị thương nặng trong cuộc tắm máu khiến 129 người thiệt mạng.
Những tấm ga trải giường thấm máu nằm rải rác khắp căn phòng khi đội ngũ y bác sĩ tuyệt vọng chạy qua chạy lại giữa các giường bệnh, chăm sóc vết thương cho các nạn nhân. Nơi này chẳng khác gì vùng chiến sự.
Các y bác sĩ nhồi nhét trong phòng hồi sức của bệnh viện St Louis, Paris, cố gắng hết sức để cứu sống các nạn nhân bị thương trong vụ thảm sát Paris. Ảnh: Bệnh viện Saint Louis/Dailymail |
Bức ảnh cũng cho chúng ta cái nhìn thoáng qua về các thương tích của những nạn nhân tại sân Stade de France, nhà hàng, quán cà phê, quán bar và rạp hát Bataclan.
Philippe Juvin, người đứng đầu dịch vụ cấp cứu bệnh viện Georges Pompidou, Paris đã mô tả những nạn nhân bị trúng đạn được đưa vội tới đây để phẫu thuật hoặc chăm sóc đặc biệt. Những vết thương của họ nghiêm trọng tới nỗi anh mới chỉ nhìn thấy ở những vùng xung đột như Afghanistan.
Anh cũng mô tả sự im lặng kỳ lạ khi bệnh nhân được đưa tới bệnh viện. Họ bị sốc khi chứng kiến những chiến binh thánh chiến xả súng không thương tiếc vào người vô tội.
"Mọi người bị bắn vào tay, chân, họng và ngực. Bạn không thể tưởng tượng nổi những chấn thương tâm lý mà họ phải chịu. Thật khó để giải thích nhưng rất nhiều người im lặng khi họ được đưa tới đây, cho dù họ bị thương nặng", anh nói.
"Mọi thứ không giống như một bộ phim khi bạn thấy tất cả mọi người kêu khóc. Nó hoàn toàn không giống như vậy. Các bệnh nhân được đưa tới bằng xe cứu thương và không ai nói gì".
Một y tá tên Catherine đã mô tả sự kiện đêm đó ở bệnh viện St Louis là "siêu thực". Nhưng cô ấy cũng nói rằng mình đã bị choáng ngợp trước "làn sóng đoàn kết đáng kinh ngạc" trong đội ngũ y bác sĩ.
Cô ấy nói với trang ActuSoins: "Tôi muốn nhớ mãi làn sóng đoàn kết đáng kinh ngạc mà tôi đã được chứng kiến: tất cả y bác sĩ đề xuất đến để hỗ trợ và đã đến vào lúc nửa đêm mà không cần chúng tôi kêu gọi".
"Đêm đó, tôi đã thấy rất tự hào về nghề nghiệp của mình, về những đồng nghiệp và bệnh viện của mình".
Hiện trường bên trong nhà hát Bataclan trong vụ khủng bố đẫm máu ngày 13/11. Ảnh: Mirror |
Trong khi đó, một bác sĩ phẫu thuật tới từ bệnh viện Lariboisiere cho biết anh đã nhìn thấy những bệnh nhân với "những vết đạn bắn từ đầu đến chân". Trong số đó, có những người bị vỡ hàm, nứt sọ, mất mắt, gãy chân tay. "Có cảm giác đó là sự tàn phá kinh khủng", vị bác sĩ phẫu thuật cho biết.
Ở những nơi khác, các bác sĩ cho biết họ gặp phải những bệnh nhân bị sốc nặng. Một bệnh nhân 30 tuổi bị dính đạn trong gan chỉ hỏi bác sĩ là "Nó có nghiêm trọng không?".
"Dường như họ đã bị hóa đá. Họ không thể hiện bất cứ cảm xúc bình thường nào", Dominique, người đứng đầu dịch vụ cấp cứu bệnh viện Saint-Antoine, Paris nói.
Một bệnh nhân bị trúng đạn ở tay dường như không còn ý thức được về sự việc vừa xảy ra cũng như các vết thương của mình. Tất cả những gì người này nói chỉ là: "Tôi không biết, tôi không nhìn thấy gì cả".
Hiện vẫn còn hàng chục nạn nhân đang phải đấu tranh để sinh tồn. Thậm chí, dù họ có sống thì hầu hết các nạn nhân của vụ tấn công sẽ bị ảnh hưởng về sau, một số còn bị tác động trong thời gian dài, có người sẽ phải chịu nhiều ca phẫu thuật.
[mecloud]RsG192ggSH[/mecloud]
Bảo Linh (tổng hợp)