Để tái hiện lại bước hành quân thần tốc ra Thăng Long, dẹp tan quân Thanh Tết Kỷ Dậu, một nhóm học sinh lớp 9 đã lập hẳn tài khoản Facebook cho vua Quang Trung (Nguyễn Huệ). Cách trả bài độc đáo này khiến nhiều cư dân mạng trầm trồ thích thú.
"Facebook" chính thức trên giấy của vua Quang Trung. |
Mới đây, nhằm giúp học sinh hiểu sâu hơn về đoạn trích tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí”, một cô giáo Ngữ văn lớp 9G trường The Olympia (Hà Nội) đã ra đề bài "Hãy tóm tắt các sự kiện trong cuộc hành quân thần tốc của vua Quang Trung ra Thăng Long và đánh thắng quân Thanh vào Tết Kỷ Dậu năm 1789".
Tuy nhiên, thay vì trình bày theo dạng bài viết hoặc bản đồ thông thường, một nhóm 5 học sinh lớp 9G đã gây sốc khi quyết định vẽ trên giấy tài khoản Facebook chính thức của vua Quang Trung với đầy đủ các thông tin cá nhân được trình bày khá chi tiết.
Nhằm tránh tài khoản giả mạo, các bạn học sinh còn tích đánh dấu tài khoản chính thức của Facebook. Ở phần tên, 2 chữ “NH” – tức Nguyễn Huệ, cũng được ghi chú ngay sau hiệu Quang Trung.
Tất cả thông tin cá nhân như năm sinh, quê quán và cả mối quan hệ của vua Quang Trung cũng đều được chăm chút cẩn thận.
Trên dòng thời gian, các sự kiện nổi bật như “Lên ngôi hoàng đế nước Đại Việt, “Đại phá quân Thanh vào ngày 5 tháng Giêng năm 1789” nhận được rất nhiều lượt thích. Thậm chí trên trang Facebook giấy còn có cả chi tiết Tôn Sĩ Nghị bày tỏ cảm xúc tức tối với những “bài đăng” của Quang Trung.
Giáo viên Ngô Thị Thu Giang (người ra đề) đã hết sức bất ngờ khi cầm trên tay bài làm rất độc đáo và sáng tạo của nhóm 5 em học sinh trên.
Chia sẻ trên Thanh niên cô Giang cho biết: “Trên quan điểm một giáo viên, tôi cho rằng ý tưởng lập trang Facebook cho vua Quang Trung là một sự sáng tạo thú vị, cách học cần được khuyến khích. Nó không chỉ phản ánh đầy đủ những sự thật lịch sử, bám sát với kiến thức từ sách giáo khoa mà còn thể hiện rõ mục tiêu của bài học, đó là đọc hiểu tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô Gia Văn Phái)”.
Ngay sau khi hình ảnh bài làm kiểm tra "bá đạo" được đăng tải lên các diễn đàn, nhanh chóng thu hút nhiều sự quan tâm của mọi người. Đa số đều cho rằng các bạn trẻ đã rất sáng tạo, có đầu óc quan sát tốt và thật sự dồn tâm huyết vào “tác phẩm” này. Một số cư dân mạng gợi ý cách hệ thống bài này có thể áp dụng cho nhiều môn học khác nữa.
Thời gian qua, môn Lịch sử vẫn bị nhiều học sinh chê là khô khan, khó học, thậm chí tại các kỳ thi THPT có điểm thi chỉ có 1 thí sinh chọn môn này để dự thi. Điều này thật sự khiến nhiều người cảm thấy lo ngại, trước đó cũng từng xuất hiện nhiều phương pháp tiếp cận lịch sử mới hơn, lạ hơn được áp dụng nhằm cho học sinh cảm thấy thú vị và dễ học hơn.
Đức Hòa (tổng hợp)