Từng hàng dài người Hy Lạp đứng chờ rút tiền vào ngày 29/6 đã được giới truyền thông quốc tế mô tả là “Ngày thứ 2 đen tối” đối với người dân nước này.
Với nhiều người Hy Lạp, sáng 29/6 thực sự là ngày “thứ Hai đen tối”, khi rất nhiều bà nội trợ, chủ cửa hàng và cả các chủ doanh nghiệp đã xếp hàng nhiều giờ trong vô vọng tại các máy rút tiền ATM khắp thủ đô Athens, sau một đêm các biện pháp kiểm soát về tiền vốn được công bố.
“Tôi sợ rằng mình sẽ mất việc và phá sản”, Sofia Chronopoulos, nhân viên một tiệm làm tóc lo lắng nói. “Các ngân hàng đều đóng cửa, ông chủ không còn tiền trong khi có nhiều hóa đơn cần thanh toán”.
Dòng người đổ về các cây ATM rút tiền trong ngày 29/6 |
Theo thông cáo chính thức từ chính phủ, mỗi chủ tài khoản chỉ được phép rút 60 euro/ngày từ tài khoản của mình. Nhiều người cho biết họ đã cố gắng rút tiền nhiều lần nhưng vẫn chẳng được đồng nào.
Trong dáng vẻ hoảng hốt, chàng thanh niên thất nghiệp 28 tuổi Chris Bakas toát mồ hôi nhìn chằm chằm vào màn hình máy ATM. “Không tiền, không hy vọng, làm sao chúng tôi lại lâm vào tình cảnh này? Hôm nay đúng là ngày thứ Hai đen tối”, Bakas chua chát nói.
Hy Lạp đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ và ngày càng tịnh tiến sát hơn tới cửa ngõ ra khỏi Khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Theo cam kết, Hy Lạp sẽ phải thanh toán khoản nợ 1,6 tỷ Euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong ngày mai (30/6) - cùng ngày các khoản cứu nguy kinh tế hiện nay hết hạn. Dù khó có khả năng trả nợ nhưng chính quyền Thủ tướng Alexis Tsipras vẫn cương quyết không chấp nhận những yêu cầu cải cách ngặt nghèo và chủ chương thắt lưng buộc bụng mà EU và IMF ép Athens phải thực hiện để được cứu trợ.
Không khi nặng nề đang bao trùm lên Hy Lạp |
Hai ngày cuối tuần qua, người dân Hy Lạp đã thi nhau xếp hàng để rút tiền từ các máy tự động và Ngân hàng Hy lạp cho biết họ đang có "những nỗ lực khổng lồ" để duy trì dòng tiền ATM không bị hết. Nếu dân chúng không được trấn an bằng những biện pháp hiệu quả thì nguy cơ hệ thống ngân hàng Hy Lạp sụp đổ thậm chí còn nhanh hơn cả dự báo.
Hiện các ngân hàng nước này dự kiến sẽ bất động cho đến ngày 7/7, hai ngày sau cuộc trưng cầu dân ý đã định trên toàn quốc về các điều khoản mà các chủ nợ quốc tế đòi Hy Lạp phải thực thi để đổi lấy tiền cứu trợ. thị trường chứng khoán Athens cũng đã đóng cửa.
Các bộ trưởng Tài chính của 18 quốc gia khác trong Eurozone đã lần đầu tiên gặp gỡ không có Hy lạp và thẳng thừng từ chối kêu gọi gia hạn cứu trợ cho đến sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7. Họ cam kết sẽ làm bất cứ điều gì có thể để ổn định khối đồng tiền chung, và khẳng định khối đang ở vị trí tốt hơn nhiều so với đỉnh điểm khủng hoảng Eurozone cách đây vài năm.
Trong một thông báo chính thức, các đại biểu nhất trí yêu cầu Hy Lạp áp đặt các biện pháp kiểm soát dòng vốn để bình ổn hệ thống ngân hàng.
Hãng tin Europe 1 dẫn lời Thủ tướng Pháp Manuel Valls rằng, ECB không nên cắt viện trợ cho các ngân hàng của Hy Lạp, ngay cả khi không đáp ứng được thời hạn chót. Ông Valls cảnh báo, nếu cử tri Hy Lạp phản đối trong cuộc bỏ phiếu ngày 5/7 sẽ đồng nghĩa với việc rời khỏi Eurozone và kêu gọi phải quyết định một cách sáng suốt. Ông Valls cũng không chỉ trích quyết định trưng cầu dân ý khi nói: “Khi quý vị yêu cầu người dân quyết định, để thực thi quyền dân chủ, thì không thể chỉ trích chuyện đó được.”
Khủng hoảng Hy Lạp khiến Mỹ cũng không thể ngồi yên. Tổng thống Mỹ Barack Obama điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel đề nghị có hành động khẩn cấp để giữ Hy Lạp trong Eurozone. Một thông báo của Nhà Trắng cho biết: Hai nhà lãnh đạo nhất trí Hy Lạp cần cải cách mà không rời khỏi Eurozone. Hiện, các cố vấn kinh tế đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến tại Hy Lạp.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cũng ra một tuyên bố sau cuộc hội đàm với các đồng cấp Đức và Pháp đề nghị các chủ nợ xem xét giảm nợ cho Hy Lạp; tuy nhiên, Đức và các nước thành viên Eurozone khác phản đối.
Theo ông Lorenzo Bini Smaghi - cựu thành viên hội đồng quản trị ECB: Nếu Hy Lạp đổ vỡ sẽ kéo theo các phản ứng tiêu cực trên thị trường khác, trước mắt là các thị trường Trái phiếu Chính phủ Eurozone ở những nước như Tây Ban Nha, Italia và Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Áo Hans Joerg Schelling cho rằng: “Hậu quả đối với những nước khác trong Eurorzone sẽ không nghiêm trọng như đối với Hy Lạp. Rõ ràng là, không một quốc gia nào có thể đe dọa Ủy ban châu Âu (EC) và các nước sử dụng đồng euro trong bất cứ trường hợp nào”.
Nam Nam (Tổng hợp)