“Phương châm của chúng tôi là cô lập Mỹ. Ông ta chỉ có một con đường để đi, nếu không đi con đường này sẽ rơi vào thế bị động. Tưởng Giới Thạch cũng không phải lo lắng chuyện chúng tôi liên kết hợp tác với Mỹ để chống ông ấy.”
>> Tưởng Giới Thạch mời Mao Trạch Đông thăm Đài Loan lúc cuối đời
Mao Trạch Đông và Chính sách riêng cho Tưởng Giới Thạch
Sau khi rời khỏi Kim Môn không lâu, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai có đến Bắc Kinh để gặp và mời Tào Tụ Nhân ăn cơm. Trong lần nói chuyện này, Mao Trạch Đông đã nói với Tào Tụ Nhân: “Chỉ cần cha con Tưởng Giới Thạch có thể khắc chế được Mỹ, chúng tôi đồng ý hợp tác với ông ta. Chúng tôi vô cùng tán thành phương châm bảo vệ Mã Tổ và Kim Môn của Tưởng Giới Thạch. Chỉ cần Tưởng Giới Thạch không hợp tác với Mỹ, Tưởng Giới Thạch có thể quản lý cả bốn vùng Đài Loan, Mã Tổ, Kim Môn, Bành Hồ, nhưng nhất định không được đến đại lục làm loạn.” Mao Trạch Đông còn nói: “Phương châm của chúng tôi là cô lập Mỹ. Ông ta chỉ có một con đường để đi, nếu không đi con đường này sẽ rơi vào thế bị động. Tưởng Giới Thạch cũng không phải lo lắng chuyện chúng tôi liên kết hợp tác với Mỹ để chống ông ấy.” Có người cho rằng, khi Mỹ ra đi, khoản viện trợ cho quân sự của Đài Loan sẽ mất đi. Mao Trạch Đông có hứa: “Đại lục chúng tôi sẽ cung cấp toàn bộ. Quân đội của ông ta có thể giữ lại, chúng tôi không ép ông ta từ bỏ quân đội, nhưng phải đảm bảo không được phái phi cơ, phái đặc vụ đến đại lục làm loạn.” Tào Tụ Nhân hỏi: “Vậy liệu cuộc sống của người Đài Loan có tiếp tục được như trước hay không?” Mao Trạch Đông đáp: “Sẽ theo những gì mà họ muốn”
Từ cuộc nói chuyện của Mao Trạch Đông có thể thấy, Mao Trạch Đông đã áp dụng rất nhiều chính sách khoan hồng dành cho Tưởng Giới Thạch, với yêu cầu tiên quyết là để Đài Loan “đoàn tụ” với Trung Quốc và không được hợp tác với Mỹ chống đại lục. Nhưng, Tưởng Giới Thạch vẫn luôn nghi ngờ chính sách này của Đảng Cộng sản. Sau này, sau khi nghe những lời nói của Mao Trạch Đông từ Tào Tụ Nhân, Tưởng Giới Thạch mới có một chút tin tưởng đối với Mao Trạch Đông, bắt đầu suy nghĩ về những chính sách của Mao Trạch Đông.
Mao Trạch Đông (trái) gặp Tưởng Giới Thạch tại Trùng Khánh, Trung Quốc năm 1945. Ảnh: Getty |
Thời kỳ đầu những năm 60 của thế kỉ trước, Mao Trạch Đông từng suy nghĩ và thêm một số nội dung mới vào những chính sách dành cho cha con Tưởng Giới Thạch, hình thành tư tưởng tổng thể để thống nhất tổ quốc. Sau đó, Chu Ân Lai đã khái quát tư tưởng này thành “cương lĩnh bốn mục”. Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai đều đã nói qua nội dung của cương lĩnh này với Tào Tụ Nhân. Họ lo lắng Tưởng Giới Thạch không yên tâm, còn nhờ Trương Trị Trung-người có quan hệ tương đối tốt với Trần Thành và Tưởng Giới Thạch viết thư cho Trần Thành, trong thư có đề cập đến nội dung chủ yếu của “cương lĩnh bốn mục”.
Nội dung chủ yếu của cương lĩnh bốn mục được khái quát như sau:
Điều kiện: Chỉ cần Đài Loan “đoàn tụ” với Trung Quốc, tất cả các vấn đề khác đều do Tưởng Giới Thạch và Trần Thành xử lý.
Chính sách:
Một: Sau khi Đài Loan “đoàn tụ” với Trung Quốc, ngoài chính sách ngoại giao cần thống nhất với Trung Quốc đại lục, tình hình chính trị, quân sự, kinh tế sẽ được quản lý bởi Tưởng Giới Thạch và Trần Thành.
Hai: Chính phủ đại lục sẽ trực tiếp chi trả số tiền của quân đội Đài Loan.
Ba: Việc cải cách chính sách xã hội của Đài Loan có thể tiến hành dần dần, dựa vào ý kiến của tổng tài (Tưởng Giới Thạch) và Trần Thành.
Bốn: Hai bên cam kết không cử người đến phá hoại sự đoàn kết của nhau.
Trong cuộc trò chuyện, ngoài việc nhắc lại nội dung của “cương lĩnh bốn mục”, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai còn nhấn mạnh: nội dung của cương lĩnh không phải là những suy nghĩ cá nhân. Đây là những ý kiến của chính phủ Đảng Cộng sản trung Quốc, của các quan chức cấp cao. Xin Tưởng Giới Thạch có thể yên tâm. Mao Trạch Đông còn nhắc lại, nếu Tưởng Giới Thạch có bất cứ ý kiến hay điều kiện gì, có thể đề xuất, chúng tôi sẽ suy nghĩ cẩn thận.
Sau khi đến Đài Bắc, Tào Tụ Nhân đã nói lại những suy nghĩ của Mao Trạch Đông cho cha con Tưởng Giới Thạch. Các nhà lãnh đạo cấp cao của Đài Loan như Tưởng Giới Thạch, Tưởng Kinh Quốc, Trần Thành đã suy nghĩ và quyết định đưa ra thêm một số điều kiện. Những điều kiện mà họ đưa ra, có giống và khác so với điều kiện của Mao Trạch Đông. Qua một thời gian cố gắng nỗ lực, hai bên đều đã đạt được nhận thức chung trên một số vấn đề quan trọng cơ bản.
Tháng 7 năm 1965, trong buổi nói chuyện giữa Mao Trạch Đông và Tào Tụ Nhân, Mao Trạch Đông đã viết một bức từ với tựa đề “Lâm Giang Tiên”. Trong bài từ có hai câu “Trăng sáng vẫn còn đó-Mây biếc bao giờ về”. Hai câu thơ đã bộc lộ được thành ý của Mao Trạch Đông dành cho Tưởng Giới Thạch, muốn Tưởng quay về đại lục an dưỡng tuổi già. Ngày 20/7, Tào Tụ Nhân quay về Đài Bắc và có báo cáo lại tình hình cuộc nói chuyện với Mao Trạch Đông cho cha con Tưởng Giới Thạch nghe tại Hàm Bích lầu cạnh sông Nhật Nguyệt. Tào cũng đưa lại bài từ của Mao Trạch Đông cho Tưởng Giới Thạch. Sau khi xem xong bài từ, Tưởng Giới Thạch vô cùng cảm kích trước ý tốt của Mao Trạch Đông. Đồng thời, sau một thời gian suy nghĩ và cân nhắc, cha con Tưởng Giới Thạch cũng đã đưa ra sáu điều kiện. Hai cha con Tưởng Giới Thạch nhờ Tào Tụ Nhân nêu điều kiện tới Mao Trạch Đông, sau đó hai bên sẽ tiếp tục tiến hành bước thương lượng tiếp theo.
Thu Nghiêm (Duowei)