Là cựu quân nhân Mỹ, từng làm người chuyên thẩm vấn tù nhân tại Iraq và giờ là một giáo sư đại học, Eric Fair đã kể lại những ám ảnh đeo bám suốt cuộc đời mình khi tham gia vào quá trình tra tấn nghi phạm ở nhà tù Abu Ghraib.
Eric Fair phục vụ trong quân đội Mỹ từ năm 1995 đến năm 2000 và là một nhân viên quân đội hợp đồng tại Iraq năm 2004-2005. Bài viết của ông được đăng trên báo giấy New York Times ngày 10/12/2014 với tựa đề: “Tôi không thể được tha thứ cho sự việc Abu Ghraib”.
Dưới đây là toàn bộ bài viết của Eric Fair trên New York Times:
Tôi đang dạy cách viết luận sáng tạo ở học kỳ này tại trường ĐH Lehigh, Bethlehem, bang Pennsylvania, Mỹ. Tôi đã từng là một người lính, một sỹ quan cảnh sát và là một người chuyên thẩm vấn tù nhân. Vì vậy, việc các sinh viên gọi tôi là “giáo sư” và nộp bài tập về nhà cho tôi thực sự là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời.
Tuy nhiên chủ đề của khóa học là “Viết về chiến tranh”, đã khơi dậy những ký ức đã ám ảnh tôi hơn một thập kỷ qua. Tôi thực sự cảm kích khi trường Lehigh cho mình cơ hội để dạy khóa học này. Việc một trường học sẵn sàng để một cựu chiến binh đứng lớp là điều mà nước Mỹ cần để thu thập những suy nghĩ về cuộc chiến kéo dài suốt 13 năm qua. Nhưng việc dạy các học sinh về chiến tranh đã hàng ngày gợi nhắc tôi rằng mình không phải là một giáo sư đại học.
Tôi đã từng là người thẩm vấn tù nhân tại Abu Ghraib. Tôi cũng đã từng tra tấn người khác.
Binh lính Mỹ tra tấn tù nhân dã man tại nhà tù Abu Ghraib. Ảnh: BBC
Nhà tù Abu Ghraib ám ảnh từng giây phút trong cuộc đời tôi. Vào đầu năm 2004, các nhân viên ở Abu Ghraib xóa bỏ hình ảnh của Saddam Hussein bằng cách dùng sơn màu vàng bôi lên tường. Tôi vô tình dựa vào những bức tường đó. Chiếc áo khoác màu đen của tôi nhuốm bẩn. Tôi vẫn ngửi thấy mùi nồng của sơn. Tôi vẫn nghe thấy những âm thanh gào thét. Và tôi cũng nhìn thấy các tù nhân mà chúng tôi gọi là những kẻ tình nghi.
Tháng trước, các sinh viên của tôi tại Lehigh đã đọc cuốn “The Things They Carried” của Tim O’Brien. Trong buổi học tôi đã nói chuyện về những gì binh lính Mỹ tiến hành ở Iraq. Tôi mang theo một hộp thuốc lá cùng những đồ nữ trang rẻ tiền và một số vật kỷ niệm mà tôi đã mua tại các cửa hàng ở sân bay quốc tế Baghdad. Tôi cũng mang theo cả chiếc áo khoác đen mình mặc tại nhà tù Abu Ghraib.
Khi tôi yêu cầu các sinh viên chia sẻ ký ức của mình về vụ việc những bức ảnh tra tấn tù nhân tại Abu Ghraib năm 2004, tôi đã nhận được những ánh nhìn nghi ngại cho thấy họ cũng biết điều gì đó nhưng quá xấu hổ để thừa nhận nó. Hầu hết đều tránh tiếp xúc ánh mắt với tôi, một số cúi đầu, trong khi số khác bày tỏ sự thành thật và số còn lại chỉ ngáp vặt.
Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với một thế hệ không coi việc những bức ảnh tra tấn ở Abu Ghraib là một sự kiện quan trọng trong cuộc đời mình. Tôi không đổ lỗi cho họ. Họ mới chỉ là những đứa trẻ tiểu học vào thời điểm đó. Đó dường như là một vấn đề trong sách lịch sử. Đó là thứ mà cha mẹ họ mới nói đến. Và đó chỉ là một câu trả lời trong một bài kiểm tra.
Khi nhìn vào những khuôn mặt trống trải của các sinh viên, tôi nhận ra rằng tôi có thể tự cho bản thân mình một chút giải thoát. Sự kiện Abu Ghraib sẽ dần mờ nhạt. Tội lỗi của tôi sẽ bị quên lãng. Nhưng chỉ khi tự tôi cho phép mình làm vậy.
Một binh lính Mỹ ám ảnh khi đi dọc hành lang nhà tù Abu Ghraib. Ảnh: ibtimes
Tôi đã viết những bài báo về các phương pháp tra tấn dã man mà chúng tôi đã áp dụng cho những người tình nghi Iraq. Tôi đã trả lời phỏng vấn trên vô tuyến và radio. Tôi đã nói chuyện với các nhóm của Tổ chức Ân xá quốc tế và tôi đã thú nhận tất cả với một luật sư từ Phòng Công lý và hai nhân viên đến từ Cơ quan yêu cầu điều tra tội phạm của quân đội. Tôi đã nói mọi thứ có thể nói.
Tôi đã đứng trước lớp để cố gắng giải tỏa phần nào nỗi đau của lịch sử. Tôi không còn đóng vai trò là một người thẩm vấn tù nhân ở Abu Ghraib nữa, tôi đã là một giáo sư tại ĐH Lehigh. Tôi có thể cho điểm sinh viên và nói những điều hoa mỹ trên lớp. Con trai tôi có thể tới trường và khoe về công việc của cha mình. Tôi là một người mà người thân có thể tự hào.
Nhưng tôi không phải như vậy. Tôi đã từng là một thẩm tra viên tại Abu Ghraib. Và tôi đã tra tấn tù nhân.
Cuối cùng tôi khuyến khích các sinh viên tìm kiếm những bức ảnh về Abu Ghraib và viết lại cảm xúc của họ trong một bài luận. Chúng tôi đã dành thời gian nói về các phương pháp tra tấn đã diễn ra và tôi đã đưa cho các sinh viên một số bài viết của mình. Họ vẫn gọi tôi là “giáo sư” nhưng tôi ngờ rằng họ thực chất không còn nghĩ về tôi như vậy nữa.
Mới đây, Thượng viện đã đưa ra một phần báo cáo tra tấn. Rất nhiều người cực kỳ ngạc nhiên trước nội dung của báo cáo: sử dụng hình thức trấn nước một cách thường xuyên, không cho tù nhân ngủ hàng tuần liền, hay một biện pháp ghê rợn, mất nhân tính khác là bơm chất lỏng ngược lên trực tràng qua đường hậu môn. Còn tôi thì không ngạc nhiên. Tôi dám chắc rằng còn nhiều hơn thế, kinh khủng hơn thế vẫn chưa được công bố.
Hầu hết người Mỹ chưa đọc toàn bộ bản báo cáo trên. Nhiều người sẽ không có cơ hội được đọc. Nhưng nó tồn tại như một lời nhắc nhở về đất nước mà chúng ta đang sống.
Trong một số lớp học ở tương lai, một vị giáo sư sẽ yêu cầu các sinh viên đọc lại những gì mà nước Mỹ đã làm trong những năm đầu thế kỷ 21. Họ sẽ tiếp cận được bản báo cáo của Thượng viện hôm nay. Có thể có những cái nhìn trống trải hay những cái ngáp vặt. Sẽ có những bài luận và bài tập viết về nhà. Các sinh viên sẽ biết được đất nước này không phải luôn luôn khiến họ tự hào.
Tuệ Minh (theo New York Times)