Để đảm bảo sự răn đe hạt nhân chống lại Nga, Trung Quốc, Lầu Năm Góc nhấn mạnh Mỹ cần phát triển tên lửa hành trình đầu đạn hạt nhân tầm xa LRSO.
Trong khi máy bay ném bom tàng hình B-21 của tập đoàn Northrop Grumman sẽ là chiếc máy bay tấn công có khả năng nhất từng được phát triển thì loại máy bay mới trứ danh này cũng không thể đảm bảo truy cập được vào những vùng không phận được bảo vệ dày đặc nhất trên toàn cầu. Đó là lý do tại sao Lầu Năm Góc đang nhấn mạnh rằng họ cần phát triển tên lửa hành trình đầu đạn hạt nhân tầm xa LRSO để đảm bảo sự răn đe hạt nhân chống lại Nga, Trung Quốc.
Tướng Robin Rand, chỉ huy Bộ tư lệnh đột kích toàn cầu trực thuộc không quân Mỹ nói trước tiểu ban lực lượng chiến lược thuộc Ủy ban dịch vụ Vũ trang hôm 2/3: "Tôi nghĩ việc có một LRSO là hoàn toàn quan trọng đối với chúng ta, không chỉ cho chiếc B-21 mới mà còn cho B-2 và B-52. Và phần lớn là vì sự chống truy cập/chống tiếp cận mà chúng ta phải đối mặt ngày càng tăng lên. Để tồn tại, chúng ta cần phải có một khả năng vượt xa".
Máy bay ném bom B-2 của Không quân Mỹ. Ảnh: Wikimedia Commons/Không quân Mỹ |
Các quan chức Lầu Năm Góc khác cũng đã phản ánh quan điểm của ông Rand. Trợ lý quốc phòng về chiến lược, kế hoạch và khả năng, ông Robert Scher, nói rằng cả máy bay ném bom tàng hình lợi hại B-21 và tên lửa hành trình LRSO đều cần để đảm bảo cho sự ngăn chặn hạt nhân của Mỹ. Sự kết hợp giữa máy bay ném bom và tên lửa hành trình sẽ tạo cho Nhà Trắng những lựa chọn khi xảy ra chiến tranh mà không cần ủy nhiệm một máy bay tấn công có người lái bay qua không phận kẻ địch để thả bom trọng lực hạt nhân, ông Scher nói.
Hơn nữa, B-21 có thể vừa thả bom trọng lực hạt nhân, vừa phóng tên lửa đầu đạn hạt nhân từ xa và điều này sẽ làm phức tạp việc lên kế hoạch của địch. "Ngoài ra, chúng ta không thể hy vọng luôn có thể phá vỡ được bất cứ hệ thống phòng không tiên tiến từ bất cứ kẻ thù nào. Vì vậy, có được khả năng phóng từ xa là rất quan trọng", theo ông Scher.
Tiến sũ Authur Hopkins, quyền phụ tá bộ trưởng quốc phòng về chương trình quốc phòng sinh học, hóa học và hạt nhân cũng đồng ý với điều này. "Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh sự cần thiết về khả năng sống sót và thâm nhập. Chúng ta không biết sự phòng thủ của kẻ thù sẽ phức tạp thế nào trong 10, 20 hay 30 năm nữa. Có được khả năng này để linh hoạt đối với chúng ta rất quan trọng", ông Hopkins nói.
LRSO không gây bất ổn như nhiều người chủ trương kiểm soát vũ khí đã lập luận, ông Scher nói. Mỹ đã duy trì một kho tên hành trình đầu đạn hạt nhân phóng từ trên không như một phần của không lực cấu thành bộ ba hạt nhân. Nhưng những vũ khí này đang dần lỗi thời. LRSO chỉ đơn giản là một phiên bản được cập nhật và có khả năng sinh tồn hơn của tên lửa hành trình đầu đạn hạt nhân từng có của Mỹ. "Khả năng này tồn tại và tôi cho rằng cho tới thời điểm này, nó không được xem là gây bất ổn", theo ông Scher.
Trong thực tế, điều ngược lại cũng có thể đúng. Sự kết hợp máy bay ném bom/tên lửa hành trình không chắc có thể thâm nhập vào không phận của đối phương vốn đã bất ổn. Đó là bởi các nhà hoạch định Chính sách không thể chắc chắn loại vũ khí này sẽ được thông qua nếu điều tồi tệ nhất xảy ra. "Thẳng thắn mà nói có một loại vũ khí không thể thâm nhập vào không phận kẻ thù thì tôi sẽ chỉ ra rằng nó còn gây mất ổn định hơn", ông Scher cho biết.
Trong thực tế, ông Scher cho rằng bộ phận máy bay ném bom/tên lửa hành trình là dễ xác định nhất trong 3 chân của bộ ba hạt nhân. Một kẻ thù tiềm năng có thể thấy những máy bay ném bom được chuẩn bị khởi động và máy bay có thể bị theo dõi trên không trong nhiều giờ, điều sẽ tăng cường khả năng răn đe của chúng. "Nó khá nổi tiếng, là bộ phận được nhìn thấy và có thể quan sát trong kho vũ khí và bộ ba hạt nhân. Thế nên tôi nghĩ nó không phải là vũ khí gây bất ổn cho chính mình", ông Scher lập luận.
Bảo Linh (National Interest)