Mới đây, trong một động thái được cho khá bất ngờ, chính phủ Trung Quốc cũng đã xác nhận, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hiện đang ở thăm nước này nhằm mục đích tăng cường "liên hệ chiến lược" giữa hai quốc gia.
Các hãng tin Yonhap và Korea Times lần lượt đăng tải thông tin về chuyến đi của của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Trung Quốc.
"Ông Kim Jong-un, Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, đang ở thăm Trung Quốc từ ngày 19/6 đến 20/6", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm nay cho biết.
Ông Kim Jong-un bắt tay ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc hôm 9/5. Ảnh: Reuters |
Người phát ngôn này cũng cho biết thêm phía Bắc Kinh kỳ vọng chuyến thăm sẽ giúp "củng cố quan hệ Trung-Triều, thúc đẩy các liên hệ chiến lược và thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực".
Thông báo này của Bắc Kinh được cho là khá hiếm hoi khi ông Kim Jong-un vẫn đang ở thăm Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Cảnh Sảng từ chối bình luận chi tiết về chương trình nghị sự của ông Kim Jong-un tại Trung Quốc, có thể vì lý do an ninh.
Đánh giá về chuyến thăm Trung Quốc lần 3 trong vòng chưa đầy 3 tháng của ông Kim Jong-un, giới chuyên gia cho rằng, Bình Nhưỡng đang tìm kiếm sự hỗ trợ kinh tế của Bắc Kinh cũng như mong muốn được tham vấn về thỏa thuận giải trừ hạt nhân nhằm có được lợi thế đàm phán với Mỹ.
Nhân chuyến thăm này, nhà lãnh đạo Kim Jong -un có thể sẽ thông báo ngắn gọn với Bắc Kinh về kết quả hội nghị thượng đỉnh thảo luận chiến lược đàm phán giải trừ hạt nhân. Bằng cách đó, ông Kim Jong-un có thể có được sự ủng hộ của Trung Quốc trong việc nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Triều Tiên. Đổi lại, Trung Quốc có thể mở rộng ảnh hưởng, tham gia sâu hơn vào quá trình giải trừ hạt nhân cũng như tình hình đang biến đổi nhanh chóng trên bán đảo Triều Tiên.
"Ông Kim tới Trung Quốc để bày tỏ sự cảm ơn vì sự hỗ trợ của Trung Quốc cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, như việc cho mượn chuyên cơ, đưa ra ý tưởng cho các cuộc đàm phán trong tương lai bằng việc phác thảo chiến lược với Trung Quốc", học giả Shin Beom-chul tại Viện nghiên cứu Chính sách Asan, nhận định.
Trong khi đó, Kim Hyun-wook, giáo sư tại Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc, gọi chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Kim Jong-un là "cân bằng ngoại giao kiểu Triều Tiên".
"Ông Kim tìm cách có được các lợi ích bằng việc tận dụng quá trình giải trừ hạt nhân sau hội nghị với ông Trump. Ông ấy muốn có được sự hỗ trợ kinh tế từ Trung Quốc, và tận dụng sự hỗ trợ của Bắc Kinh làm đòn bẩy trong đàm phán với Mỹ", chuyên gia Kim Hyun-wook nói.
Các nhà phân tích cho rằng ông Kim có thể tìm kiếm sự ủng hộ kinh tế trực tiếp của Trung Quốc hoặc tầm ảnh hưởng của ông Tập Cận Bình với cộng đồng quốc tế để Triều Tiên được dỡ bỏ trừng phạt.
Chuyến thăm của ông Kim Jong-un cũng giúp Trung Quốc đóng vai trò quan trọng hơn trong quá trình giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên mặc dù trước đó Bắc Kinh lo ngại có thể sẽ bị gạt ra ngoài lề.
Nếu truyền thông Trung Quốc chỉ đề cập đến chuyến thăm của ông Kim Jong-un hồi tháng 3 và tháng 5 sau khi ông đã trở về nước, lần này, truyền thông và chính phủ Trung Quốc xác nhận chuyến thăm khi ông Kim Jong-un vẫn đang ở thăm. Sự thay đổi này có thể là cách Bắc Kinh thể hiện việc coi Triều Tiên là một quốc gia "bình thường".
Ngoài Trung Quốc, Triều Tiên cũng hướng đến sự hỗ trợ của Nga.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Yong-nam cũng đã tới nga tham dự lễ khai mạc World Cup. Ông đã hội kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin và trao thư của ông Kim Jong-un tới nhà lãnh đạo Nga.
Minh Di (tổng hợp)