Philippines sẽ ủng hộ Mỹ trong việc kêu gọi ngừng khai hoang tại Biển Đông bất chấp việc Trung Quốc khăng khăng không đưa vấn đề này ra trước cuộc họp Ngoại trưởng ASEAN sắp tới.
Từ trái qua phải: Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Wunna Maung Lwin, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, Ngoại trưởng thường trực Singapore Chee Wee Kiong, Bộ trưởng Ngoại giao Brunei Mohamed Bolkiah, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman, Thủ tướng Malaysia Najib Razak, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Tanasak Patimapragorn, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi và Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh tại cuộc họp ngoại trưởng 48 nước ASEAN diễn ra ở Kuala Lumpur, Malaysia hôm 4/8. Ảnh: Reuters |
Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario ngày hôm nay cho biết Manila đã sẵn sàng để giúp xuống thang căng thẳng tại Biển Đông nếu Trung Quốc và các nước có yêu sách khác đồng ý chịu ràng buộc với những điều kiện tương tự.
Ông Del Rosario nói thêm rằng Philippines đã lên kế hoạch đưa vấn đề này ra trước Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48, được khởi động ngày hôm nay tại Kuala Lumpur.
Bình luận của ông Del Rosario được đưa ra 1 ngày sau khi Trung Quốc cho biết họ không muốn vấn đề Biển Đông được đưa ra thảo luận tại cuộc họp của ASEAN.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều không phải là thành viên của tổ chức này song cả 2 nước sẽ được tham gia vào các cuộc đàm phán kéo dài vài ngày ở thủ đô Malaysia. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ ở Kuala Lumpur trong 2 ngày tới (5-6/8).
"Philippines sẽ hỗ trợ đầy đủ và ủng hộ tích cực để thúc đẩy lời kêu gọi "3 tạm ngừng" của Mỹ: tạm ngừng khai hoang, tạm ngừng xây dựng và tạm ngừng các hành động gây hấn mà có thể làm leo thang căng thẳng", ông Del Rosario tuyên bố.
"Chúng tôi sẽ đồng ý chịu ràng buộc khi Trung Quốc và các nước khác cũng làm vậy".
Mặc dù không có tên trong chương trình nghị sự chính thức nhưng Biển Đông vẫn là một trong những vấn đề quan trọng có thể được thảo luận tại cuộc họp trong bối cảnh năng thẳng tại khu vực này đang leo thang.
Trung Quốc không cho thấy dấu hiệu ngừng xây đảo nhân tạo tại vùng biển tranh chấp.
Malaysia - chủ tịch đương nhiệm của ASEAN - cho biết chủ đề này không bị giới hạn và sẽ được nâng lên.
Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc ngày hôm nay, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman nói rằng ASEAN nên đóng vai trò quan trọng để đạt tới giải pháp "thân thiện" tại vùng biển tranh chấp.
Trung Quốc đã ngang nhiên đòi yêu sách ở hầu hết Biển Đông, cáo buộc Mỹ quân sự hóa khu vực bằng cách tiến hành tuần tra và tập trận quân sự chung. Trong khi đó, Mỹ kêu gọi Trung Quốc tạm ngừng hoạt động xây đảo nhân tạo ở khu vực.
Ngày hôm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị còn tuyên bố Scarborough - một bãi cạn ở Biển Đông là của nước này, nhắc lại lập trường của Bắc Kinh về vùng tranh chấp.
Trong một bài bình luận trên trang nhất của tờ Nhân dân Nhật Báo (tờ báo chính thống của ĐCS Trung Quốc), một học giả có tiếng còn nói rằng Mỹ đang hợp tác với Nhật Bản để "phá vỡ" Biển Đông.
Bảo Linh (theo Reuters)