Hóa vàng là nghi thức quan trọng trong mỗi dịp Tết của người dân Việt Nam. Theo quan niệm của cha ông ta từ xa xưa, trước bữa cơm tất niên, gia đình đã phải làm một mâm cơm thịnh soạn đặt lên bàn thờ để thắp hương tổ tiên và mời ông bà, tổ tiên cùng về đón Tết với gia đình. Sau khi hết Tết, lễ hoa vàng chính là nghi thức để đưa các cụ về cõi âm.
Với lễ hóa vàng, mỗi gia đình đều làm mâm cơm cũng với đầy đủ các món ăn truyền thống. Có gia đình chỉ làm gói gọn, không mời bạn bè, khách khứa. Có những gia đình còn mời người thân, bạn bè, hàng xóm đến cùng dùng bữa và coi như đây là dịp gặp nhau ngày xuân.
Tùy theo điều kiện của từng gia đình mà lễ hóa vàng có thể khác nhau. Tuy nhiên cần đảm bảo những món lễ dưới đây:
- Một mâm cỗ mặn gồm: Rượu, thịt, bánh chưng…
- Tiền âm phủ, vàng mã mỗi loại một ít
- Mâm ngũ quả
- Hoa tươi
- Hương
- Bánh kẹo
- Trầu cau, thuốc lá
- 2 cây mía (Theo dân gian quan niệm cây mía để các cụ chống đi cho đỡ mỏi hoặc có thể sử dụng để gánh các đồ cúng về trời).
Mâm cỗ cúng có thể là cỗ chay hoặc cỗ mặn đều được. Trước đây, nếu làm cỗ mặn thì không thể thiếu đĩa gà trống.Sau khi thắp hương làm lễ, gia chủ sẽ đốt vàng mã - hóa vàng. Khi hóa thì thường hóa của gia thần trước rồi mới đến phần vàng mã của tổ tiên để không nhầm lẫn.
Nếu gia đình có người mới mất trong năm cũ thì sẽ hóa vàng phần vàng mã này cuối cùng. Khi hóa xong, phần tiền vàng, sớ trạng đã cháy hết thì gia chủ vẩy vào thêm chút rượu, vì quan niệm xưa cho rằng phải như thế thì khi đến cõi âm các cụ mới nhận và tiêu được số tiền đó.