Nguồn gốc Tết Nguyên đán
Tết Nguyên đán hay còn có tên gọi khác là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết cổ truyền. Đây được xem là một trong những dịp lễ quan trọng nhất của Việt Nam, ảnh hưởng của văn hoá Tết Âm lịch người Trung Hoa và Vòng văn hoá Đông Á.
Do tính theo Âm lịch (chu kỳ vận hành của Mặt Trăng) nên Tết Nguyên đán của Việt Nam muộn hơn so với Tết Dương lịch.
Tết Nguyên đán thường sẽ kéo dài trong khoảng từ 7-8 ngày (ngày cuối năm cũ) và 7 ngày đầu năm mới.
Dưới ách thống trị hơn 1000 năm Bắc thuộc nên văn hoá Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc.
>>Có thể bạn quan tâm: 3 con giáp dính hoạ 'tam tai', ở nhà cũng dễ gặp vận đen
Tết Nguyên đán cũng được xem là một trong những nét văn hoá bị du nhập trong quá trình Bắc thuộc đó.
Trong lịch sử Trung Hoa, Tết Nguyên đán có từ thời Tam Hoàng Ngũ đế và thay đổi theo từng thời kỳ.
Đời Tam Vương, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng Giêng, tức tháng Dần, nhà Thương thích màu Trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng Chạp làm tháng đầu năm.
Trong khi đó, Nhà Chu yêu sắc đỏ nên đã chọn tháng Tý, tức tháng 11 làm tháng Tết.
Đời nhà Tần, Tần Thuỷ Hoàng đổi qua tháng Hợi (tháng 10). Đời nhà Hán, Hán Vũ Đế đặt lại ngày Tết vào tháng Dần (tháng Giêng), từ đó về sau không triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa.
Dù vậy trong văn hoá của người Việt theo sự tích Bánh chưng bánh dày thì người Việt đã ăn Tết từ thời trước vua Hùng (nghĩa là trước 1000 năm Bắc thuộc.
Tết Nguyên đán có ý nghĩa gì?
Nhiều người thắc mắc, không hiểu Tết Nguyên đán có ý nghĩa gì mà lại có thể khiến nhiều người bỏ mọi thứ để chu lo cho một cái tết đầm ấm nhất.
Tết Nguyên đán được xem là thể hiện sự giao hoà giữa trời và đất, giữa con người và thần linh trong quan niệm của người Phương Đông.
Tết Nguyên đán cũng là thời điểm đoàn viên của mọi gia đình trên mọi miền tổ quốc.
Dù làm bất cứ nghề nghiệp nào hay bất cứ nơi đâu, dịp Tết Nguyên đán cũng là thời điểm mà tất cả mọi người đều mong muốn trở về tụ họp bên gia đình.
Xét về tâm linh, Tết Nguyên đán mang ý nghĩa linh thiêng và trang trọng, tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới cũng như những lời chúc về một năm luôn mạnh khoẻ, sinh sôi nảy nở, mưa thuận gió hoà.
Tết Nguyên đán cũng là cơ hội thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, trân trọng những giá trị về nguồn cội.
Trong văn hoá tâm linh của người Việt, nhiều người tin rằng Tết Nguyên đán, tổ tiên cũng sẽ hiện diện trên bàn thờ gia tiên, nhà thờ họ nhằm chứng kiến lòng thành của con cháu, từ đó phù hộ cho con cháu được khoẻ mạnh, làm ăn ổn định.
Trong dịp Tết, ai cũng trở nên hào sảng, hoà thuận và gần gũi với nhau hơn, ai cũng muốn gửi đến nhau lời chúc tụng tốt đẹp nhất trong năm mới.
Người Việt luôn tin rằng những ngày Tết vui vẻ sẽ báo hiệu một năm mới đầy tốt đẹp sẽ đến.
Một năm cũ qua đi đồng nghĩa với những điều không may mắn và một năm mới bắt đầu sẽ mang đến cho bạn nhiều niềm vui cũng như niềm lạc quan trong cuộc sống.
Đây được xem là giá trị đạo đức cũng như thẩm mỹ mà người Việt luôn mong muốn được đạt đến.