Nghiên cứu của các nhà khoa học Hàn Quốc được công bố trên tạp chí Current Biology năm 2012 đã phân tích về cây phả hệ của các hoạn quan trong triều đại Joseon từ năm 1392-1910. Từ các hồ sơ, nhóm nhà nghiên cứu trích xuất dữ liệu chi tiết về năm sinh năm mất của 81 hoạn quan trong triều đình với tuổi thọ trung bình là 70 năm.
Trong cùng thời kỳ, tuổi thọ của những nam giới khác thuộc cùng một tầng lớp kinh tế dao động từ 50,9-55,6 năm. Như vậy, thái giám khi đó đã sống lâu hơn những người đàn ông khác từ 15-20 năm.
Làm thế nào mà các hoạn quan lại có cây phả hệ? Không giống như hoạn quan Trung Quốc cổ đại, hoạn quan Triều Tiên được phép kết hôn và nhận con nuôi, nhưng chỉ được nhận con gái nuôi hoặc con trai đã bị thiến. Khi các thái giám trong triều được hưởng nhiều lợi thế về kinh tế, xã hội, một số chàng trai thậm chí còn tự nguyện tịnh thân để trở thành con nuôi của họ.
Vậy thì tại sao thái giám lại sống lâu hơn người bình thường? Đó là bởi tinh hoàn sản xuất phần lớn testosterone và những người đàn ông đã tịnh thân sẽ có mức hormone này cực kỳ thấp. Có bằng chứng cho thấy hormone sinh sản nữ tăng cường hệ thống miễn dịch nhưng hormone sinh sản nam lại ngăn chặn điều này.
Dường như có mối liên hệ giữa testosterone và sức khỏe tim mạch. Ví dụ, nam giới có xu hướng bị đau tim ở độ tuổi trẻ hơn nhiều so với phụ nữ. Đó là một trong những lý do khiến phụ nữ luôn sống lâu hơn nam giới. Trên thực tế, trung bình phụ nữ chết muộn hơn nam giới từ 3-5 năm nếu cả hai cùng mắc một căn bệnh nguy hiểm. Điều này nhất quán ở mọi cấp độ văn hóa và kinh tế xã hội.
Đàn ông không chỉ tử vong sớm vì bệnh tim mà còn vì mọi thứ bệnh khác, từ cúm, ung thư cho đến bệnh phổi.
Tất cả những lý do trên khi kết hợp lại sẽ lý giải cho việc hoạn quan sau khi cắt bỏ tinh hoàn thường sống lâu hơn. Bên cạnh đó, họ không thể lấy vợ, sinh con, không còn làm chuyện chăn gối nên tinh khí được bảo tồn, tuổi thọ cũng dài ra.
Các thái giám thường chỉ chuyên tâm lo hầu hạ hoàng đế và các phi tần, công việc không có quá nhiều áp lực nên tinh thần họ thoải mái hơn. Điều này giúp họ sống lâu hơn so với những người đàn ông trăm công nghìn việc khác, đặc biệt là hoàng đế.
>> Xem thêm: Cùng mang phận nô tài, tại sao thái giám phải tịnh thân, thị vệ vẫn nguyên vẹn?