Nếu từng xem qua các bộ phim về cung đình Trung Quốc, chắc chắn chúng ta đều biết đến những người mang phận nô tài trong cung, đó là thị vệ, thái giám, cung nữ. Cùng là người hầu kẻ hạ, cùng là nam giới nhưng thái giám khi nhập cung phải tịnh thân còn thị vệ thì không. Thì ra, thân phận của họ hoàn toàn không giống nhau.
Thị vệ là các võ quan bảo vệ nhà vua, được xem như đội quân danh dự để gia tăng uy danh cho hoàng thất. Tới thời nhà Minh, đội ngũ Cẩm y vệ ra đời, đánh dấu việc thị vệ trở thành một tổ chức đặc vụ quân sự. Những người này sẽ thay cho Hoàng đế diệt trừ những kẻ gây bất lợi cho nội bộ đất nước. Với vai trò đặc biệt như vậy, thị vệ trở thành một chức quan quan trọng chứ không phải là nô tài thấp kém như thái giám, cung nữ.
Có 4 lý do để thị vệ dù làm việc trong cung nhưng không cần tịnh thân.
Thứ nhất, địa vị của thị vệ không phải là thấp kém nhất trong cung. Phạm vi hoạt động của họ ở khắp nơi trong hoàng cung và hơn hẳn với lớp thái giám, hoạn quan.
Thứ hai, thị vệ chịu trách nhiệm cho sự an toàn của Hoàng đế nên vai trò vô cùng quan trọng. Ngược lại, thái giám lại trực tiếp hầu hạ các cung tần nên buộc phải tịnh thân để không có hành vi phạm thượng.
Thứ ba, bản thân thị vệ là võ quan nên nếu bị thiến sẽ bị mất đi sức mạnh. Đội quân thị vệ không còn sức mạnh làm sao có thể bảo vệ Hoàng đế?
Cuối cùng, nhiều nhà sử học cho rằng thị vệ là những người xuất thân cao quý. Vào thời Tần, Hán, đây là tầng lớp được tuyển chọn gắt gao. Thời nhà Thanh, thị vệ cũng có xuất thân rất danh giá.
Ngược lại, tầng lớp thái giám có xuất thân bần hàn, ở tầng đáy xã hội. Từ nhỏ họ đã phải bán mình vào cung để trở thành nô tài hầu hạ chủ nhân cả đời.
Từ tất cả những yếu tố trên, chúng ta cũng hình dung được thị vệ là chức quan mà nhiều người khao khát. Cùng là nam nhân làm việc trong cung cấm nhưng những đặc ân mà họ được hưởng thì thái giám có mơ cũng không dám.
>> Xem thêm: 'Thái giám' Khang Hy Vi Hành giải nghệ về làm 'vua gà' cho cả Cbiz