Câu chuyện doanh nghiệp dệt may Việt Nam mất đơn hàng 2 tỷ USD gồm quần áo, cờ, giày dép, quân trang … cho quân đội Mỹ đang khiến nhiều người nghe … “buốt ruột”.
Tin tức trên báo Công thương cho biết, năm 2014, một số doanh nghiệp (DN) dệt may được chào một đơn hàng 2 tỷ USD gồm quần áo, cờ, giày dép, quân trang cho quân đội Mỹ… Hai bên thỏa thuận xong, nhưng khi gửi mẫu về Việt Nam thì hàng mẫu bị ách lại ở hải quan vì đó là hàng cấm nhập theo quy định của Bộ Quốc phòng. Sau hơn một tháng với rất nhiều thủ tục phức tạp, DN cũng nhận được hàng mẫu, nhưng khi ấy đã muộn.
Cũng theo báo Công thương, trên thực tế, ngay cả cơ quan hải quan cũng đang lúng túng trong quá trình thực hiện Quyết định số 80/2006/QĐ-BQP ngày 9/5/2006 của Bộ Quốc phòng, theo đó, mặt hàng quân trang, quân dụng (đang được sử dụng cho lực lượng vũ trang) bị cấm xuất nhập khẩu.
Một số doanh nghiệp may mặc lớn của Việt Nam bị tuột mất đơn hàng 2 tỷ USD. Ảnh minh họa |
Trước đó, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất làm thủ tục cho lô hàng gồm trên 2.000 quần, áo, ba lô, túi, nón…, được DN làm thủ tục xuất khẩu đi Australia. Qua kiểm tra hàng hóa, có nhiều mặt hàng may bằng vải có màu loang lổ, rằn ri như trang phục của lực lượng vũ trang nên đã tạm dừng thông quan.
DN xuất khẩu giải trình hàng hóa xuất khẩu cho đối tác nước ngoài với mục đích sử dụng kinh doanh buôn bán cho dân thường, cảnh sát, quân đội (ngoại trừ lực lượng phản động). Do vậy, Tổng cục Hải quan đã có công văn đề nghị Cục Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Quốc phòng) có ý kiến tham gia về Chính sách xuất khẩu đối với mặt hàng có kiểu dáng quân trang như trường hợp vướng mắc của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh. Để xác định hàng hóa có phải là quân trang, quân phục đang sử dụng cho các lực lượng vũ trang hay không, cơ quan quản lý cần gửi trưng cầu giám định tại cơ quan, tổ chức nào?
Ngay sau khi tin tức này được lan truyền, nhiều người cảm thấy “tiếc đức ruột” và “tức anh ách” thay cho doanh nghiệp.
Tin tức trên báo Lao động cho hay, không hiểu tại sao các cơ quan chức năng lại áp dụng quy định máy móc đến mức vô lý như vậy. Ở đây không phải là nhập khẩu quân trang, quân dụng, mà nhận hàng mẫu để sản xuất theo đơn hàng. Các DN dệt may có quyền tìm kiếm đối tác nước ngoài, đấu thầu gia công hàng hóa. Quân trang, quân dụng của quân đội các nước đặt may cũng giống như các loại sản phẩm may mặc khác, cần linh động để DN làm ăn. Chỉ vì áp dụng quy định máy móc, đã khiến cho một số DN mất cơ hội vàng.
2 tỉ USD hợp đồng sẽ tạo ra nhiều việc làm cho NLĐ ngành dệt may, kéo theo các ngành nghề kinh doanh khác như vận tải, sản xuất nguyên phụ liệu. Với đơn hàng “khủng” này, DN có lãi, đóng thuế cho Nhà nước. Nhìn xa hơn, khi DN dệt may VN thực hiện tốt các hợp đồng cho quân đội Mỹ, họ sẽ có uy tín thương hiệu để tiếp tục nhận các hợp đồng may quân trang tiếp theo, không chỉ riêng của Mỹ mà còn nhiều nước khác như Australia, Romania, Italia…
Các hợp đồng may quân trang cho lực lượng vũ trang thường rất lớn, các DN dệt may xem đó là thị trường béo bở cần nỗ lực cạnh tranh. Thế nhưng, họ đã thất bại hoặc mất ưu thế chỉ vì hàng rào do chính nước mình đặt ra.
“Chúng ta nói quá nhiều đến việc tạo điều kiện thuận lợi, tháo bỏ các rào cản cho DN phát triển, xây dựng các chính sách thông minh cho DN hội nhập vào nền kinh tế thế giới, nhưng trên thực tế còn tồn tại quá nhiều những điều ngược lại. Chuyện các hợp đồng may quân trang cho quân đội Mỹ bị vuột mất chỉ là một ví dụ”, báo Lao động bình luận.
Nam Nam (Tổng hợp)