Theo quan sát của PV, tại bể cá của một nhà hàng, rất nhiều cá có hình thức giống hệt cá tại suối “cá thần” Cẩm Lương. Ông chủ cửa hàng, giải thích: "Đây là cá bỗng được đưa về từ vùng Tây Bắc. Loài cá này cũng chính là loài cá ở suối “cá thần” Cẩm Lương. Cá này do đích thân tôi đi săn ở Tây Bắc mang về".
“Qua tìm hiểu, tôi được biết đây là loài cá sống ở nguồn nước trong sạch, chậm lớn, thức ăn chủ yếu của chúng là rong rêu, lá cây nên thịt của loài cá này dai, thơm, ngọt thịt và đặc biệt không có vị tanh như những loại cá khác, rất được ưa chuộng. Về tên gọi của loài cá này thì mỗi nơi một kiểu, ở Thanh Hóa người dân gọi là “cá thần”, vùng Mai Châu (Hòa Bình) thì gọi là cá dầm xanh, vùng núi phía Bắc như Hà Giang, Yên Bái thì gọi là cá bỗng”, chủ quán chia sẻ.
Ông chủ cho biết thêm, khi quyết định đưa cá bỗng - “cá thần” về quán để kinh doanh, anh cũng rất nghi ngại vì lo tới yếu tố tâm linh.
Thậm chí, khi mới đưa cá về, người nhà một số nhân viên trong quán lo lắng, bắt con em mình nghỉ việc.
Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau, lượng cá anh Việt đưa về đã được tiêu thụ nhanh chóng. Đến nay, nhiều lúc cung không đủ cầu do việc mua bán cá từ trên Tây Bắc về rất khó khăn, khách muốn thưởng thức thịt “cá thần” đều phải liên hệ trước.
Thạc sĩ Kim Văn Vạn - Trưởng bộ môn Môi trường và bệnh thủy sản (trường đại học Nông nghiệp Hà Nội), cho biết: “Cá bỗng là loài cá cùng họ với cá trắm cỏ và chép, được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản nhân giống thành công gần chục năm rồi nhưng không được áp dụng và phát triển vì loài cá này chậm lớn. Ưu điểm của nó là sức đề kháng tốt hơn những loài cá khác, thịt ngon. "Cá thần" ở Thanh Hóa với loài cá bỗng là một.
Do những quan niệm của người dân ở Cẩm Thủy mà cá bỗng ở đó mang ý nghĩa tâm linh đặc biệt, không được ăn thịt. Ở Hà Giang, Yên Bái, Hòa Bình, Tuyên Quang..., cá bỗng được nuôi nhiều và khá đại trà, những con nhỏ họ dùng để ăn, những con to được bán với giá rất đắt. Trên vùng Tây Bắc, cá bỗng là loài cá quý, đặc sản, người dân nơi đây chỉ mổ thịt cá khi có sự kiện trọng đại như cưới hỏi, giỗ chạp”.