Những động thái gần đây cho thấy, MobiFone sẽ tiến hành cổ phần hoá ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép hoạt động dưới mô hình Tổng công ty Viễn thông.
Theo Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), MobiFone dự kiến sẽ bán 49% cổ phần, nâng cấp lên Tổng Công ty trước khi trở thành Tập đoàn kinh tế về viễn thông do nhà nước nắm cổ phần chi phối, đối trọng với VNPT và Viettel nhằm đảm bảo quy hoạch có 3 - 4 tổng công ty viễn thông mạnh, hình thành thế chân vạc trên thị trường viễn thông.
Trả lời giới truyền thông, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, Bộ TT&TT đang bắt tay xây dựng kế hoạch và trình phương án cổ phần hóa MobiFone trong năm 2014, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thành lập Tổng công ty Viễn thông MobiFone. Ông Thắng cũng lưu ý, cổ phần hóa, xây dựng đề án phải minh bạch, rõ ràng trong việc bán cổ phần.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, tiến hành cổ phần hóa của MobiFone sẽ diễn ra thuận lợi bởi công ty này đang làm ăn hiệu quả. Đồng thời, VMS cũng là một doanh nghiệp có quy mô lớn, địa bàn hoạt động trải rộng khắp toàn quốc và cũng đã tiến hành đầu tư kinh doanhtại một số thị trường quốc tế với chi nhánh tại Hồng Kông, Myanmar, Hoa Kỳ. Bản thân công ty đang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.
Trả lời trên Vietnamnet, Luật sư Đinh Vũ Hòa từ Công ty Luật Đại Việt cho biết, việc nâng VMS lên thành tổng công ty bản chất là đặt VMS vào vai trò công ty mẹ của một tổng công ty và xây dựng một hệ thống công ty thành viên, công ty liên kết xoay quanh công ty mẹ này. Và việc cổ phần hóa VMS không làm ảnh hưởng tới vai trò của VMS đối với tổng công ty.
Nghị định 69/2014/NĐ-CP quy định việc thành lập Tổng công ty theo hai trường hợp là thành lập mới và nâng các nhóm công ty tự phát triển đáp ứng đầy đủ điều kiện thành lập tổng công ty.
Theo Luật sư Hòa, hiện tại, mô hình hoạt động của MobiFone thực chất về quy mô, công nghệ, điều kiện cũng đã là một tổng công ty.
Đại diện Luật Đại Việt cho biết, theo quy định tại Điều 3, Điều 9 Nghị định 69/2014/NĐ-CP ngày 15/07/2014 về Tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng công ty nhà nước thì: Tổng công ty nhà nước là nhóm công ty gồm công ty mẹ, công ty thành viên và các doanh nghiệp liên kết đáp ứng các điều kiện như sau: Có ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thuộc một trong những ngành, lĩnh vực sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ quan trọng tạo nền tảng cho phát triển ngành hoặc vùng lãnh thổ; tạo động lực nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và ngành hoặc vùng lãnh thổ. Vốn điều lệ của công ty mẹ không thấp hơn 1.800 tỷ đồng. Đối với công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì phần vốn nhà nước phải chiếm ít nhất 65% vốn điều lệ của công ty mẹ…
Thực tế, MobiFone đều đáp ứng vượt trội tất cả các quy định nói trên. Vốn của MobiFone hiện là 12.600 tỷ đồng, gấp gần 10 lần so với quy định “lên tổng”. Quy mô của MobiFone toàn quốc, ngành nghề viễn thông là trọng yếu, tính chất ngành nghề là công nghệ. Như vậy, MobiFone hoàn toàn hoạt động như một tổng công ty mạnh.
Việc thành lập Tổng công ty Viễn thông MobiFone và thực hiện cổ phần hóa dự kiến sẽ làm tăng giá trị thương hiệu MobiFone, thu hút được nhiều sự quan tâm của đối tác chiến lược, các nhà đầu tư và đạt được kết quả cổ phần hóa cao hơn.
Thứ trưởng Thắng cũng thông tin thêm, hiện đang có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn hợp tác với MobiFone.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước ngày 6/10/2014, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng cho biết, việc cổ phần hóa MobiFone sẽ tác động mạnh vì có số vốn thu về rất lớn trong tổng số 432 doanh nghiệp của Việt Nam phải tiến hành cổ phần hóa. Hiện đã có một số doanh nghiệp viễn thông nước ngoài chờ đợi MobiFone cổ phần hóa để có cơ hội làm đối tác chiến lược của nhà mạng này.
Theo Bảo An/Người đưa tin