Trong số 3 nạn nhân thiệt mạng có 2 người ở Tuyên Quang tử vong do sạt lở đất và 1 người ở Hòa Bình tử vong do lũ cuốn.
Đến cuối ngày 24/5, các tỉnh vùng núi phía Bắc ghi nhận gần 260 nhà hư hỏng, trong đó Tuyên Quang hơn 100 nhà, Yên Bái gần 50 nhà, Hà Giang hơn 40 nhà.
Gần 9.500 ha lúa, hoa màu bị ngập úng, trong đó Hà Nội ngập nhiều nhất với hơn 4.000 ha, Tuyên Quang, Phú Thọ mỗi trên 1.500 ha, Thái Nguyên gần 1.300 ha. Ngoài ra, gần 65 ha thủy sản, 900 gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, chết.
Mưa lớn cũng khiến hàng loạt quốc lộ 2, 279, 4C, 4D, tỉnh lộ 170, 171, 177, 204, 212 và nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở Điện Biên, Tuyên Quang, Lai Châu, Lào Cai bị sạt lở với tổng khối lượng đất đá gần 25.000 m3. Sơ bộ thiệt hại tại tỉnh Tuyên Quang khoảng 16 tỷ đồng.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc có mưa từ 4 ngày nay, riêng lượng mưa từ 7h ngày 24/5 đến 15h chiều nay ở An Hiệp (Thái Bình) gần 200 mm, Vĩnh Bảo (Hải Phòng) hơn 130 mm, Minh Quang (Tuyên Quang) 80 mm, Quan Chu (Thái Nguyên) 70 mm, Lương Tài (Bắc Ninh) gần 90 mm.
Dự báo, từ hôm nay (25/5), mưa giảm dần ở phía Bắc, chỉ còn tập trung tần suất lớn tại khu vực miền núi Bắc bộ.
Lý giải dù đã về cuối tháng 5 nhưng ở miền Bắc trời vẫn mát, ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết cho rằng, thời gian qua liên tục có các đợt Không khí lạnh tăng cường nén vùng áp thấp gây mưa, nhiệt độ toàn miền xuống thấp. Nguyên nhân sâu xa là tác động của biến đổi khí hậu làm tăng tính bất thường và cực đoan.
Đồng thời, ENSO đang ở trạng thái La Nina (pha lạnh) sẽ chi phối khiến thời tiết lạnh hơn, mưa lũ nhiều hơn và diễn biến bão phức tạp hơn, nhất là so với năm 2021.
Dự báo trong tháng 6, mưa lớn ở miền Bắc sẽ xảy ra nhiều hơn do bước vào mùa mưa. Các tháng 5-9, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn 5-25% so với trung bình nhiều năm, riêng tháng 10 cao hơn 15-30%.