Cùng 1 thương hiệu trà sữa, nhưng 2 cơ sở khác nhau lại bán ra 2 cốc trà có dung tích chênh lệch nhau hẳn, làm nổ ra cuộc tranh cãi ầm ĩ về sự thật giữa tỉ lệ trà - đá và cái tâm của người bán trà.
Khởi đầu là một bài viết nhỏ trong group kín dành cho những người đam mê ăn uống vừa được đăng mới đây, cư dân mạng bắt đầu chia sẻ khắp nơi hình ảnh trong bài viết này, kèm theo đó là những lời bàn tán ồn ào xoay quanh chuyện trà sữa được rót đầy hay vơi mới là chuẩn.
Cùng một loại trà sữa, topping tương đương nhau, cùng không có đá, nhưng hai cửa hàng bán đầy - vơi khác nhau, thế nào mới là đúng?
Theo như chủ nhân của 2 cốc trà sữa có phần ruột bên trong chênh lệch nhau hẳn 1/3, thì đó là cùng 1 loại trà, đều không uống đá, nhưng bên trái và bên phải là của hai cơ sở khác nhau của cùng một thương hiệu. Topping trân châu khác nhau không ảnh hưởng gì đến định lượng của nước trà, nên vấn đề khiến hàng nghìn người tranh cãi ở đây, là trà sữa khi bình thường đầy ắp là do nhiều đá hay nhiều trà sữa thật, và khi người ta không uống đá, nhân viên sẽ "trừ hao" đi, hay vẫn phải rót đầy cho khách?
Rất nhiều quan điểm, phân tích được đưa ra quanh 2 cốc trà sữa tuy "cùng một mẹ" nhưng dung tích lại lệch nhau gây quá nhiều nghi ngờ.
"Không thêm đá thì nó sẽ pha thêm nước lọc vào cho đầy cốc thôi, chứ chẳng ai kinh doanh mà tốt bụng hào phóng cho thêm trà sữa đâu".
"Nói thẳng là cốc trà sữa nào cũng phải có đá, không có đá thì sản phẩm nhận được chỉ rơi vào khoảng 50 - 60% cái cốc thôi, nguyên liệu đắt đỏ, 1 cốc giỏi lắm lãi được 10k, gọi ít đá thì còn nghe được, đằng này không gọi đá mà vẫn muốn đầy ắp?".
Dân mạng tranh cãi đủ kiểu quanh chủ đề mới: trà sữa đầy do đá hay do tâm người bán?
"Chỗ nào bán trà sữa cũng có công thức rõ ràng, ví dụ cốc 500ml thì chỉ có 250ml trà thôi, còn lại là đá. Mình nghĩ ai hay uống món này thì cũng biết, trà nguyên chất không đá 100% đường thì bị hụt hẳn đi như kia là đúng rồi".
"Muốn đòi hỏi trà lúc nào cũng đầy, bất kể có thêm đá hay không đá, thì tốt nhất tự mua về mà pha!".
"Cái này giống bán nước mía thôi, cốt mía ép ra thì ít mà khách thấy đầy vì chủ cho nhiều đá".
"Bạn nhân viên trả lời thô nhưng mà thật, việc cho đá vào luôn khiến cốc đầy ắp, cảm giác xông xênh hơn. Ở Đài Loan quê hương của trà sữa thì bất kể khách gọi gì cốc vẫn luôn full chứ không giống uống dở thế kia đâu, đây là vấn đề cái tâm của người bán thôi".
Các chị em đam mê trà sữa nghĩ sao về 2 chiếc cốc này và tiết lộ sững sờ của nhân viên bán trà sữa?
Một phe thì bênh vực các tiệm trà sữa, cho rằng họ buôn bán nên có quy tắc định lượng riêng để tránh thất thoát nguyên liệu và đảm bảo có lãi, nếu không thì lấy đâu ra tiền trả lương cho nhân viên? Một phe khác thì bênh vực người tố, cho rằng phép thử so sánh ở trên rất đúng đắn, hiệu quả, cho hội chị em phải suy ngẫm lại khi bỏ ra 40 - 50k, thậm chí gần 100k cho 1 cốc trà sữa chỉ toàn đá và nước lọc.
Một nhóm nhỏ hơn thì tỏ ra trung lập, từng thưởng thức trà sữa tại nhiều nơi như Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc... thì khẳng định cô gái mua 2 cốc trà kia đã bị lừa, bởi cốc đầy có thể đã được pha thêm nước lọc, còn cốc vơi thì cũng chưa chắc đã nguyên chất. Mà cũng có thể chỗ bán cốc đầy không đá khá hào phóng, chiều khách, mà rõ ràng giá còn rẻ hơn so với cốc vơi.
Chưa bàn tới chuyện vệ sinh an toàn của món trà sữa mà lâu nay dân tình vẫn tranh cãi, thì câu hỏi trà full tận nắp có phải do đá và nước lọc hay do tâm của người bán cũng gây thêm một cuộc chiến bàn phím chưa hề có hồi kết. Sự việc này có lẽ còn khiến những "con nghiện trà sữa" phải đau đầu một thời gian dài nữa, uống thì vẫn thích thôi nhưng việc rút ví ra chắc sẽ có tí lăn tăn.
Lynk
Theo Helino/Trí thức trẻ