Việc Mỹ liên tục điều máy bay tới các căn cứ của Philippines nhằm truyền tải thông điệp gì tới cho Trung Quốc. Hãy cùng đọc bài phân tích được đăng tải trên tờ National Interest sau đây.
Máy bay A-10 Warthog của Mỹ được triển khai tới Philippines. Ảnh: Flickr |
Ngày 15/6, một phân đội tạm thời gồm 4 máy bay EA-18G Growler của Hải quân Mỹ đã được triển khai tới Philippines. Theo Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, những máy bay này sẽ tham gia huấn luyện song phương với các phi công của Không quân Philippines và "sẽ hỗ trợ các hoạt động thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải và đảm bảo tiếp cận tới vùng trời và vùng biển phù hợp với luật pháp quốc tế".
Việc triển khai này nối gót phân đội gồm 5 chiếc A-10 Warthogs của Không quân Mỹ thời gian gần đây. Đội máy bay tạm thời này được thành lập trong bối cảnh Tòa án Tối cao Philippines phê chuẩn Hiệp định Hợp tác Quốc phòng tăng cường (EDCA) và xác định 5 căn cứ mà quân đội Mỹ được phép truy cập mới.
Vào thời điểm đó, đã có một số bất ngờ đó là 4 trong số 5 căn cứ này là cơ sở không quân và không có cái nào là cảng biển. Tuy nhiên, 2 nhóm máy bay tới Philippines đầu tiên đã làm rõ việc PACOM định dùng những căn cứ này như thế nào và tại sao cho đến nay, không quân lại được ưu tiên trong các điều khoản của EDCA.
Các máy bay Warthogs, thường được sử dụng để hỗ trợ trên không, dường như lúc đầu không được lựa chọn triển khai tới Philippines. Tuy nhiên, nó có thể là một lựa chọn theo cảm hứng:
Loại máy bay này không thể mang đi không chiến với các máy bay của Trung Quốc nhưng nó có khả năng bay qua không phận quốc tế gần bãi Scarborough và thể hiện cam kết của Lầu Năm Góc trong việc giữ tự do hàng không với tất cả các bên...
Trung tá Damien Pickart, một phát ngôn viên của Lực lượng Không quân Thái Bình Dương hôm 15/6 nói rằng A-10 có khả năng bay rong ruổi tuyệt vời và bay được với tốc độ chậm, ở độ cao "cần thiết để cho các máy bay khác nhận biết được không phận, lãnh hải cũng như thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm trục vớt người".
Sau đó, A-10 cũng thuận tiện để Mỹ thực hiện các hoạt động khẳng định tự do hàng hải rõ hơn, mạnh hơn ở trên hoặc quanh các quần đảo tranh chấp nếu cần. Hơn nữa, A-10 cũng có thể thực hiện những nhiệm vụ tấn công.
Không giống như khả năng bay "chậm và thấp" của Warthog, EA-18 Growler bay cao và nhanh. Nhưng trớ trêu thay, giống như Warthog, chúng được tối ưu để đối phó với các mối đe dọa phát ra từ các cơ sở quân sự của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa. Growler là máy bay tấn công điện tử. Boeing, nhà sản xuất EA-18 đã mô tả nó là loại máy bay tấn công điện tử trên không (AEA) tiên tiến nhất. Xuất phát từ căn cứ không quân Clark, các máy bay Growler của Mỹ sẽ tới đóng quân tại Philippines để phá sóng, nếu cần còn phá hủy được các radar trên những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông.
Tóm lại, việc triển khai Warthog và Growler tại Philippines gửi một thông điệp quan trọng tới Trung Quốc: Những đồ đạc của cải các anh đưa lên Trường Sa dễ bị tấn công. Chúng tôi có thể không thấy các anh. Nếu các anh xác lập một vùng Nhận dạng Phòng không, chúng tôi có thể khiến các anh không thể thực thi nó.
Tất nhiên, mánh khóe nằm trong việc thuyết phục Trung Quốc tin rằng Washington sẵn sàng hành động trước những mối đe dọa tiềm ẩn nếu họ bị thúc ép. Việc Bắc Kinh sẽ phản ứng thế nào đối với phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực và liệu Bắc Kinh có áp dụng chiến dịch xây đảo tại bãi cạn Scarborough hay không sẽ nói cho chúng ta thấy nhiều điều về cách Trung Quốc giải mã những tín hiệu Mỹ gửi đi.
Bảo Linh (National Interest)