Xiaofei “Eddy” Zheng chuyển từ Quảng Châu đến California năm 12 tuổi, sau đó dính vào các băng đảng châu Á và bị kết án cướp có vũ trang, bắt cóc năm 16 tuổi. Cuối cùng, sau khi được thả ra từ nhà tù San Quentin năm 2005, Mỹ ra lệnh trục xuất anh ta trở lại Trung Quốc. Tuy nhiên, đại sứ quán Trung Quốc lại từ chối hợp tác, nói rằng không có bằng chứng cho thấy Zheng là người Trung Quốc. Do đó, anh ta đã ở trong tình trạng lấp lửng suốt nhiều năm.
"Đây là nỗi sợ hãi thường trực mỗi ngày. Tôi không thể lên kế hoạch làm gì, không thể đặt mục tiêu", Zheng nói. Anh ta đã phải chiến đấu với quan chức và các lệnh trục xuất trong hàng chục năm trước khi có được quyền công dân Mỹ năm 2017. "Trung Quốc chấp nhận người dân, nhưng chỉ những người được lựa chọn".
Nổi lên trong danh sách các vấn đề Mỹ - Trung có thêm một điều: Hàng nghìn công dân Trung Quốc đang ở bất hợp pháp tại Mỹ và Bắc Kinh từ chối nhận lại. Sự bất hợp tác của Trung Quốc bị Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) coi là "chống đối", cùng với 10 quốc gia và khu vực đặc biệt khác như Eritrea, Iran, Pakistan, Cuba.
Theo quy định quốc tế, các nước cần phải phải chấp nhận du khách đến thăm, kể cả công dân của mình. Các hãng hàng không sẽ không để hành khách lên máy bay mà không có giấy tờ thích hợp. Trung Quốc thường viện lý do là giấy tờ không đầy đủ, hộ chiếu giả và những người liên quan không phải người Trung Quốc. Một số người thì phạm tội nghiêm trọng. Chẳng hạn Zheng và 2 đồng phạm bị kết án vì đã dùng súng khống chế một gia đình người Mỹ gốc Hoa giàu có vào tháng 7/1986, lấy cắp 34.000 USD tiền mặt và hàng hóa. Tuy nhiên, hầu hết những người bị giam giữ tại Mỹ đều vì những vi phạm nhỏ như thị thực quá hạn hoặc phạm luật giao thông.
Trong nhiều năm, vấn đề này gây bất đồng nhỏ giữa 2 nước. Tuy nhiên, sau cuộc bầu cử dựa trên nền tảng chống nhập cư, Tổng thống Donald Trump đã gia tăng áp lực lên các quốc gia "chống đối" để họ hồi hương công dân của mình.
Tháng trước, trong nỗ lực mới nhất, Nhà Trắng đã cáo buộc Trung Quốc vi phạm những cam kết và "tạo ra rủi ro an ninh cho các cộng đồng người Mỹ". Tuy nhiên, Trung Quốc không có nhiều động lực để hợp tác, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh thương mại và các cáo buộc của Mỹ về đại dịch Covid-19. Một cựu quan chức bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng một khi Trung Quốc muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ, họ sẽ làm nhiều hơn, nhưng hiện tại thì rõ ràng là không.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, Bắc Kinh không muốn đón về những tên tội phạm và kẻ phạm luật. "Theo quan điểm của họ, đây là những người không phải giỏi nhất, thông minh nhất", Kellogg, người đứng dầu Trung tâm Luật châu Á, ĐH Georgetown nói.
Những trở ngại khác bao gồm thiếu hiệp ước dẫn độ hoặc các vấn đề liên quan đến nhập cư. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc có rất nhiều dân và họ không thực sự quan tâm đến vài ngàn người này. Bắc Kinh có xu hướng muốn chọn những người được hồi hương, chẳng hạn các nhà hoạt động nhân quyền hay nạn nhân các cuộc đàn áp tôn giáo. Những quan chức tham nhũng, tội phạm cổ cồn trắng trong các chiến dịch "Săn cáo", "Lưới trời" cũng nằm trong danh sách này.