Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry B.Harris Jr ngày 2/3 đã đề xuất khôi phục liên minh hải quân chiến lược chính thức gồm Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ. Liên minh này đã tan rã một thập kỷ trước do cuộc biểu tình ngoại giao từ phía Trung Quốc.
Đề xuất này là mới nhất trong một loạt các đề nghị đàm phán của Mỹ đối với Ấn Độ - đất nước vốn thận trọng với việc hình thành các liên minh chiến lược - để trở thành một thành viên trong mạng lưới các cường quốc hải quân sẽ cân bằng sự bành trướng trên biển của Trung Quốc.
Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ, Richard R.Verma, đã bày tỏ hy vọng trong một bài phát biểu đó là các cuộc tuần tra chung do các tàu hải quân Mỹ và Ấn Độ tiến hành "trong tương lai gần sẽ là một cảnh tượng được hoan nghênh và thường thấy ở khắp vùng biển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Mỹ, Nhật, Ấn Độ tham gia tập trận chung trên Ấn Độ Dương. Ảnh: TTXVN |
Tuần trước, phát biểu trước một ủy ban của quốc hội, ông Harris nói rằng sau 10 năm Ấn Độ khéo léo từ chối, Mỹ đang tiến gần tới việc ký kết một thỏa thuận hậu cần cho phép quân đội 2 nước dễ dàng sử dụng các cơ sở của nhau để tiếp nhiên liệu và sửa chữa.
Mặc dù không đề cập cụ thể tới Trung Quốc nhưng trong bài phát biểu ngày 2/3, ông Harris đã nói đến một "thời kỳ đen tối tiềm ẩn" mà các cường quốc sẽ "cậy lớn bắt nạt nhỏ thông qua đe dọa, cưỡng chế" và trong trường hợp này, hợp tác hải quân với nước ngoài là cách tốt nhất để ngăn chặn nó.
"Tập trận chung với nhau sẽ dẫn tới cùng nhau hành động", ông Harris nói trước khi có cuộc gặp với người đồng cấp Ấn Độ. "Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Mỹ cùng với nhiều quốc gia có chung suy nghĩ có thể tuần tra chung với nhau ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".
Trong năm 2014, Ấn Độ đã phản ứng rất dữ dội khi tàu ngầm của Quân đội Trung Quóc cập cảng Colombo của Sri Lankar và đã thận trọng theo dõi sự phát triển của dự án "con đường tơ lụa trên biển" với các cảng chính tại Pakistan và Bangladesh. Khi Tổng thống Barack Obama đến thăm Ấn Độ vào năm 2015, 2 nước đã ban hành tuyên bố chung về "khu vực Ấn Độ Dương và châu Á - Thái Bình Dương", điều mà Ấn Độ đã từ chối làm trong quá khứ.
Tuy nhiên, một số đề nghị của Mỹ có vẻ mơ hồ. Cho đến nay, Ấn Độ đã không bày tỏ quan tâm tới việc tuần tra chung với Mỹ.
Bảo Linh (NYTimes)