Chuyên gia Jorge Benitez cho rằng, các thành viên NATO đã được cảnh báo về mối đe dọa gia tăng đến từ các tàu ngầm Nga và đang đầu tư thêm nhiều nguồn lực để đối phó.
Theo một thông cáo báo chí vừa phát đi trong tháng 10 này thì 13 nước thành viên NATO đang "hợp lực" cùng nhau để phát triển và triển khai các hệ thống vũ khí không người lái dưới biển với mục tiêu ưu tiên cao nhất: Truy tìm và tiêu diệt các Nga!
"Việc sử dụng các hệ thống không người lái là một bước tiến nhảy vọt về công nghệ hàng hải có khả năng làm thay đổi cuộc chơi", thông báo được 13 bộ trưởng Quốc phòng NATO ký kết cho biết. "Cùng với các phương tiện hải quân truyền thống, các hệ thống này sẽ giúp gia tăng khả năng nhận biết tình hình và kiểm soát vùng biển của chúng tôi".
Các nước NATO tham gia thỏa thuận trên bao gồm: Bỉ, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Italia, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ.
Bình luận về động thái này, chuyên gia Jorge Benitez, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Hội đồng Đại Tây Dương cho biết: "Các thành viên NATO đã được cảnh báo về mối đe dọa đang gia tăng đến từ các tàu ngầm Nga và đang đầu tư thêm nhiều nguồn lực để đối phó".
"Dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin, Nga đã triển khai nhiều tàu ngầm mới, tĩnh lặng hơn tới Bắc Đại Tây Dương khiến hải quân NATO rất khó phát hiện", Jorge Benitez nói.
"Thỏa thuận hợp tác đa quốc gia về các phương tiện không người lái dưới biển lần này là ví dụ rõ ràng nhất minh chứng cho việc NATO đang rất coi trọng mối đe dọa của Nga ở Bắc Đại Tây Dương, thậm chí còn lớn hơn cả những gì đã diễn ra từ 1/4 thế kỷ qua".
Tàu mặt nước săn ngầm không người lái Sea Hunter di chuyển trên sông Williammette ở Portland, Oregon. Đây là phương tiện tiêu biểu cho bước nhảy vọt về công nghệ ứng cho các hệ thống không người lái dưới biển. Ảnh: Hải quân Mỹ
Sự trỗi dậy của mối đe dọa từ các tàu ngầm Nga khiến Tư lệnh Hải quân Mỹ tại châu Âu, Đô đốc James Foggo từng gọi đó là "Cuộc chiến Đại Tây Dương Thứ Tư", với hàm ý ám chỉ cuộc chiến với các tàu ngầm U-boat của Đức trong Thế chiến Thứ Nhất, Thế Chiến Thứ Hai và cuộc đối đầu với Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, với sự mở rộng của NATO bao gồm cả các quốc gia đồng minh của Liên Xô cũ, Trận chiến Đại Tây Dương lần này sẽ trải dài từ vùng bờ biển phía Đông tới tận biển Baltic và biển Đen, những khu vực mà Nga đã không ngừng tăng cường các vũ khí chống xâm nhập, chống tiếp cận (A2/AD) cùng nhiều hệ thống tân tiến khác trong những năm gần đây.
Không gian tác chiến này không chỉ mở rộng xuống lòng biển mà còn tới cả đáy biển, nơi lắp đặt rất nhiều thiết bị quan trọng, từ thủy lôi cho tới các tuyến cáp ngầm Internet chuyển tải phần lớn dữ liệu của thế giới.
Điều đó có nghĩa rằng, NATO hơn bao giờ hết cần phải nắm rất rõ các hoạt động dưới đáy biển - một công việc không đơn giản chỉ thực hiện bằng các tàu ngầm tấn công nhưng đang suy giảm của khối dùng để theo dõi các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân và thực hiện các sứ mệnh tình báo, do thám, trinh sát có độ rủi ro cao trên toàn địa cầu.
Trong lĩnh vực này, theo nhiều chuyên gia, các hệ thống dưới nước, dù lắp đặt cố định hay không người lái, sẽ vô cùng cần thiết cho nhiệm vụ theo dõi những chốt điểm hàng hải quan trọng.
Thỏa thuận được 13 nước thành viên NATO ký kết là tín hiệu mới nhất cho thấy các quốc gia này đang đánh giá rất cao tác động quan trọng của các hệ thống không người lái tới cách thức tiến hành chiến tranh trong tương lai.
Trung Phạm