(Tinmoi.vn) Trung tuần tháng 6, Lầu Năm Góc đã điều 6 chiến đấu cơ tàng hình F-22, loại máy bay hiện đại nhất của Mỹ tới tham gia tập trận chung với Malaysia.
Chiến đấu cơ tàng hình F-22
Nhật báo Washington Times số ra ngày 3/7 nhận định động thái này của Mỹ đã gửi một tín hiệu chính trị mạnh mẽ đến Trung Quốc.
Theo tin tức từ đài RFI của Pháp, Malaysia có thể là một thành tố quan trọng trong chiến lược xoay trục châu Á của Mỹ.
Đây là lần đầu tiên chiến đấu cơ F-22 được sử dụng trong các cuộc tập trận định kỳ giữa Mỹ-Malaysia có tên Cope Taufan (được tổ chức 2 năm/lần). Trước đó, loại chiến đấu cơ tàng hình này mới chỉ được đưa đến vùng Đông Bắc Á. Điều này có thể thấy được tầm quan trọng của Malaysia trong nỗ lực tăng cường và củng cố liên minh tại khu vực Đông Nam Á của Mỹ.
Các đây không lâu, Hải quân Malaysia cũng được Mỹ chọn là đối tác tập luyện cho các loại tàu chiến cận duyên hiện đại mới được triển khai trong khu vực tại Singapore.
Theo Washington Times, thông điệp mà chiến đấu cơ F-22 gửi đi đã được Bắc Kinh đón nhận đầy đủ. Các quan chức Mỹ cho rằng Trung Quốc xem việc Mỹ đưa F-22 đến Malaysia là cơ hội để tìm hiểu rõ hơn khả năng tác chiến của chiến đấu cơ Su-30 do Nga sản xuất đã được không quân Malaysia mua, tương tự như loại Su-30 do Trung Quốc chế tạo. Và nếu chiến tranh nổ ra, Bắc Kinh sẽ có khả năng đối phó lại được với phi cơ Malaysia.
Thông qua việc triển khai F-22 tới Đông Nam Á, Trung Quốc tin rằng các bài tập sẽ cho phép Không quân Mỹ đưa chiến đấu cơ này tới hoạt động tại các địa điểm chiến lược gần bờ biển Trung Quốc. Cho đến nay, F-22 mới chỉ đặt căn cứ tạm thời tại Đông Bắc Á. Trước đó, loại máy bay này cũng từng được triển khai tại bản doanh Hawaii qua Nhật Bản, Hàn Quốc, Guam.
F-22 Raptor (Chim ăn thịt) là một máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 sử dụng kỹ thuật tàng hình thế hệ 4[4]. Ban đầu nó được thiết kế để trở thành một máy bay chiến đấu giành ưu thế trên không trước Không quân Xô viết, nhưng cũng được trang bị cho các nhiệm vụ tấn công mặt đất, chiến tranh điện tử và trinh sát tín hiệu. Với giai đoạn phát triển bị kéo dài, nguyên mẫu loại máy bay này được định danh YF-22, sau đó là F/A-22 trong suốt ba năm trước khi chính thức phục vụ Không lực Hoa Kỳ vào tháng 12 năm 2005 với tên chính thức F-22A. Lockheed Martin là nhà thầu chính và chịu trách nhiệm chính về khung, các hệ thống vũ khí, và lắp ráp hoàn thành chiếc F-22. Boeing cung cấp cánh, khung đuôi và các hệ thống điện tử tích hợp.
Bảo Linh (Theo RFI)