Tổng thống Mỹ Obama mới đây đã tuyên bố sẵn sàng dỡ bỏ Chính sách cấm vận kinh tế đối với Myanmar trong suốt hai thập kỷ qua để khích lệ kế hoạch cải cách chính trị của nước này.
Tuyên bố được đưa ra trong cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo dân chủ, cố vấn nhà nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi hôm 14/9 tại thủ đô Washington. Bà Aung San Suu Kyi bắt đầu có chuyến thăm chính thức Mỹ đầu tiên trên vai trò Cố vấn Nhà nước của Myanmar, một chức vụ tương đương thủ tướng, bắt đầu từ hôm qua 14/9.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và bà Aung San Suu Kyi tại cuộc họp báo ở Phòng Bầu Dục - Ảnh: Reuters |
Tổng thống Obama nhận định, đây là một điều đúng đắn cần thực hiện để "khích lệ người dân Myanmar về một đường lối kinh tế mới và một chính phủ mới". Trước đó, trong bức thư gửi quốc hội, Tổng thống Obama cho biết ông sẽ phục hồi mức thuế quan ưu đãi dành cho các quốc gia đang phát triển, bao gồm Myanmar. Washington cũng khẳng định sẽ giúp đỡ các quốc gia Đông Nam Á nói chung và chính quyền của bà Suu Kyi nói riêng.
Theo kế hoạch của ông Obama, để ghi nhận sự tiến bộ của nước này, đặc biệt là bảo vệ các quyền của người lao động, Myanmar sẽ được đưa trở lại vào Hệ thống Ưu đãi Phổ quát GPS-một cơ chế miễn thuế đối với hàng hóa từ các nước nghèo và đang phát triển nhập khẩu vào Mỹ.
Ông Obama khẳng định việc dỡ bỏ cấm vận sẽ được thực hiện sớm, tuy nhiên không khẳng định thời điểm cụ thể của kế hoạch này. Việc xóa bỏ cấm vận này sẽ củng cố lòng tin vào những công ty Mỹ muốn đầu tư tại Myanmar, tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng còn quá sớm để tưởng thưởng vì sự thay đổi còn quá chậm. Phó giám đốc tổ chức Giám sát nhân quyền, ông John Sifton nhận định, "Nếu là về kinh tế thì có vô số cách để làm điều đó mà không cần phải bỏ toàn bộ những cấm vận quan trọng này”.
New York times cho biết, các trừng phạt về mua bán vũ khí, hợp tác quân sự và các vấn đề liên quan đến Triều Tiên sẽ được giữ nguyên.
Nghiêm Thu (Tổng hợp)