Với những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, khi Lầu Năm Góc tỏ ra cứng rắn thì Bộ Ngoại giao Mỹ lại khá mềm mỏng.
Hai mặt trong quan hệ Mỹ - Trung đã được phô bày toàn diện trong ngày 23/2 khi mà quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ ở Thái Bình Dương nói với Quốc hội rằng "Trung Quốc rõ ràng đang quân sự hóa Biển Đông" thì Ngoại trưởng Mỹ John F.Kerry, sau cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc, đã nói rằng chỉ có Chính sách đối ngoại của Mỹ tại khu vực và cần tìm kiếm giải pháp đàm phán về vấn đề này.
Đô đố Harry B.Harris nói rằng "bạn phải tin vào một thế giới phẳng" thì mới không nghĩ mục tiêu của Trung Quốc là quân sự hóa khu vực và đạt được "quyền bá chủ tại Đông Á". Ông Harris nói với Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng ông đã yêu cầu Lầu Năm Góc giám sát nhiều hơn tại Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp báo chung ngày 23/2. Ảnh: Getty |
Trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, ông Kerry nói rằng Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ "đều nghĩ giống nhau" nhưng việc của Lầu Năm Góc là "giải quyết những gì xảy ra nếu... ngoại giao thất bại".
"Họ phải chuẩn bị cho bất cứ tình huống nào", ông Kerry nói.
Những trao đổi này diễn ra sau một báo cáo trong tuần này, dựa trên ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã lắp đặt một loạt radar tới các đảo nhân tạo mà họ xây trái phép tại Biển Đông.
Tuần trước, chính quyền Mỹ cho biết Trung Quốc dường như đã triển khai tên lửa đất đối không tới một hòn đảo nhân tạo khác thuộc quần đảo Hoàng Sa. Một quan chức Mỹ tối 23/2 đã xác nhận bài báo của trang Fox News đó là Trung Quốc đã triển khai chiến đấu cơ đến hòn đảo này.
Ông Harris nói rằng "các tên lửa đất đối không, đất đối đất" trên một hòn đảo và "các radar mới trên đá Châu Viên... là hành động làm thay đổi quan điểm của tôi về bối cảnh hoạt động ở Biển Đông".
Các loại vũ khí này "có thể đặt ra mối đe dọa" đối với tàu sân bay Mỹ ở khu vực, ông nói.
Ông Vương Nghị thì nói rằng "Trung Quốc coi các hòn đảo này là lãnh thổ của Trung Quốc" và "có quyền duy trì tính toàn vẹn lãnh thổ, các quyền và lợi ích hàng hải hợp pháp". Ông này cũng nói rằng "chúng tôi cam kết giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và đàm phán hòa bình".
Mỹ đã kêu gọi giải quyết tranh chấp khu vực thông qua trọng tài quốc tế và đưa tàu chiến, máy bay tới kiểm soát khu vực mà họ gọi là vùng biển quốc tế.
Ông Vương Nghị lại nói "vấn đề Biển Đông không và không nên trở thành vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc" mà nên được giải quyết trực tiếp giữa các bên trong khu vực.
"Chưa có bất cứ vấn đề nào liên quan đến tự do hàng hải và không có tàu thương mại nào gặp phải bất cứ vấn đề gì", ông Vương nói. Cũng theo ông, Trung Quốc và các nước trong khu vực "có khả năng duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông, nơi mà chúng tôi có lợi ích riêng. Và chúng tôi không hy vọng nhìn thấy bất cứ sự do thám quân sự hay việc triển khai máy bay ném bom, tàu khu trục tên lửa nào" tới khu vực này.
Ngoài ra, trong cuộc họp báo chung, cả ông Kerry và ông Vương Nghị đều ca ngợi việc tăng cường hợp tác chung giữa Mỹ và Trung Quốc về các vấn đề như thỏa thuận hạt nhân Iran, biến đổi khí hậu, chống khủng bố và chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria.
"Lý do mà chúng tôi có thể hợp tác tại các khu vực mình có lợi ích và các giá trị của chúng tôi được gắn kết cho dù trong thực tế, chúng tôi rõ ràng có sự khác biệt ở một số vấn đề đó là vì cả Mỹ và Trung Quốc đều cam kết đối thoại thẳng thắn, cởi mở. Chúng tôi là 2 cường quốc, 2 nền kinh tế lớn nhất hiện nay và do đó chúng tôi có khả năng để khiến mọi thứ diễn ra tốt đẹp", ông Kerry nói.
Cả 2 nhà ngoại giao đều cho rằng Liên hợp quốc đã tiến gần đến một nghị quyết mới chống lại Triều Tiên đối với vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo gần đây của họ. Các vụ thử này đã vi phạm các lệnh của LHQ. Cả 2 cũng kêu gọi phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và nối lại các cuộc đàm phán ngoại giao với Bình Nhưỡng.
Ngoài ra, ông Vương đã chỉ ra rằng Trung Quốc hiện là đối tác kinh tế lớn nhất của Mỹ, thương mại song phương năm 2015 là 558,4 tỷ USD.
Bảo Linh (theo Washingtonpost)