Bằng cách phân tích tình hình, sẽ rất dễ dàng để nhận ra rằng các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông sẽ không là gì khác ngoài một màn biểu diễn chính trị và ngoại giao.
Trong năm qua, Mỹ đã bắt đầu tăng cường thể hiện sức mạnh quân sự trên Biển Đông. Ngày 20/5/2015, một máy bay do thám và săn ngầm P8-A Poseidon của Hải quân Mỹ đã bay qua không phận của các đảo và rạn san hô mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Biển Đông. Sau đó, Washington nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ thực hiện "các hoạt động tự do hàng hải" (FONOPs) gần quần đảo Trường Sa. Cho đến nay, Mỹ công khai thừa nhận đã hai lần thực hiện tự do hàng hải ở Biển Đông.
Ngày 27/10/2015, Hải quân Mỹ điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen tới tuần tra tại vùng biển trong phạm vi 12 hải lý ở Đá Subi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 30/1/2016, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường khác là USS Curtis Wilbur đi vào vùng 12 hải lý quanh hòn đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ngoài ra, quân đội Mỹ còn gửi các vũ khí chiến lược, bao gồm một máy bay ném bom B-52 và nhóm tác chiến tàu sân bay USS John Stennis đến thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở Biển Đông, một nỗ lực nhằm thể hiện sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ trong khu vực.
Hải quân Mỹ điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen tới tuần tra Biển Đông hồi tháng 10/2015. Ảnh: Naval Today |
Liên quan đến các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông, có hai quan điểm hoàn toàn trái lập nhau ở Trung Quốc. Những người lạc quan tin rằng, các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông hoàn toàn không thể gây ảnh hưởng đối với các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Nhưng những người bi quan thì lại cho rằng, hoạt động quân sự của Mỹ đại diện cho sự gia tăng áp lực quân sự đáng kể đối với Bắc Kinh. Nếu Trung Quốc không thỏa hiệp, quân đội Mỹ sẽ tiếp tục nâng cao khả năng đối đầu, và xuất hiện nguy cơ về một cuộc xung đột quân sự trên Biển Đông giữa Washington và Bắc Kinh.
Có rất nhiều lý do giải thích cho cả hai cách suy nghĩ này. Trong khi những người lạc quan nhìn thấy các hoạt động quân sự của Mỹ là bạo dạn, thì những người bi quan lại nhận ra những nguy cơ khiến leo thang xung đột. Tuy nhiên, cả hai quan điểm này đều thất bại khi đưa ra cái nhìn toàn cảnh về vấn đề, cũng như không thấy được bản chất thực sự.
Bằng cách phân tích tình hình, sẽ rất dễ dàng để nhận ra rằng các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông sẽ không là gì khác ngoài một màn biểu diễn chính trị và ngoại giao. Hơn ai hết, Mỹ biết rõ rằng họ không thể trực tiếp ngăn cản các hoạt động chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, bởi vậy, những gì họ muốn chính là khiến Trung Quốc phải tăng cái giá cho các hoạt động bảo vệ chủ quyền phi lý thông qua quân sự, chính trị, ngoại giao và các công cụ truyền thông, đưa Bắc Kinh vào tình thế khó khăn và lúng túng về mặt ngoại giao. Không có gì phải nghi ngờ, các phương tiện truyền thông luôn hướng sự chú ý đến những màn đối đầu quân sự hoặc xung đột, nhưng thực tế, không hề có chuyện chiến tranh sắp xảy ra. Cũng không nghi ngờ gì về việc các hoạt động quân sự của Mỹ, dù mang nghĩa răn đe, song chủ yếu là để hoàn thành mục tiêu chính trị và ngoại giao của Washington bằng cách sử dụng các phương pháp ngoại giao và truyền thông.
Tàu khu trục Mỹ USS Curtis Wilbur tuần tra tròng vùng 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn hồi tháng 1/2016. Ảnh: US Navy |
Đối với hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông, Mỹ luôn tuyên bố rằng điều này không khác gì những hoạt động tại các vùng biển khác trên thế giới, và Washington thường áp dụng một cách thức thống nhất cho tât cả những hoạt động như vậy. Một số báo cáo của các phương tiện truyền thông Trung Quốc và các chuyên gia dường như đã xảy ra tranh cãi về những cuộc tuần tra của Mỹ, cho rằng động cơ chính của quân đội Mỹ trong khu vực là "thách thức yêu sách chủ quyền" phi lý của Trung Quốc và điều này không khác nào "tạo ra cơn bão trong một tách trà".
Thế nhưng, những hoạt động quân sự gần đây của Mỹ ở Biển Đông vẫn có nhiều khác biệt. Ngay cả theo tiêu chuẩn và truyền thống của Hải quân Mỹ, các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông được tiến hành theo nghi thức cấp cao, và có vẻ như thách thức những tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc. Sự thật là Mỹ tiến hành hàng chục hoạt động tự do hàng hải mỗi năm trên khắp thế giới, nhưng chúng thường được thực hiện khá im lặng và kém long trọng, các chi tiết cũng được giữ bí mật. Tuy nhiên, hoạt động tuần tra ở Biển Đông lại diễn ra theo nghi thức cấp cao. Quân đội Mỹ thậm chí còn tiết lộ những chi tiết cụ thể về các chuyến đi cho truyền thông, thậm chí có phần giật gân, cường điệu, để thu hút sự chú ý của thế giới.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS John Stennis cũng được triển khai đến thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở Biển Đông. Ảnh minh họa: US Navy |
Với việc triển khai các loại vũ khí tân tiến, kết hợp truyền thông rộng lớn, quân đội Mỹ tạo ra một màn biểu diễn chẳng khác nào các bộ phim bom tấn ở Hollywood. Các lực lượng đại chúng và chính trị ở Mỹ và Trung Quốc đều liên quan và các hoạt động quân sự đã phát triển thành vấn đề chính trị đối với hai nước.
Còn đối với Trung Quốc, Mỹ có thể thông qua ý kiến cộng đồng Trung Quốc để gây ảnh hưởng với quá trình chính trị trong nước của Bắc Kinh. Ý định của Washington là đạt được số lượng ngày càng tăng những người Trung Quốc tham gia tranh luận về Chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đối với Mỹ, hoạt động quân sự ở Biển Đông như một công cụ ngoại giao hữu ích, phục vụ mục tiêu của Washington bằng cách "nhất tiễn hạ song điêu". Một mặt, họ có thể gây áp lực lên Trung Quốc, mặt khác, góp phần xoa dịu các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực.
Việc chính trị hóa các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông còn nhằm mục đích kiểm tra các đối sách của Trung Quốc. Khi thực hiện hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, rõ ràng Washington đang thực hiện cách tiếp cận thận trọng để kiểm tra phản ứng của Bắc Kinh trước khi thực hiện các bước tiếp theo.
Lê Huyền (The Diplomat)