Đây là 1 trong số 5 câu hỏi về Chính sách ngoại giao lớntrong năm 2016 mà chuyên gia James M.Lindsay của Hội đồng quan hệ đối ngoại đã liệt kê ra.
Website của Hội đồng quan hệ đối ngoại CFR.org vừa đăng tải một bài phỏng vấn James M.Lindsay, phó chủ tịch cấp cao của hội đồng với nội dung: 2016 đang hình thành nên một năm đầy biến động. Danh sách các vấn đề kéo dài: sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố, tình hình hỗn loạn ở Trung Đông, căng thẳng tại châu Á và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm chạp. Tất cả những điều này diễn ra trong quá trình tranh cử hứa hẹn đầy ác liệt của Mỹ. Điều này có khả năng tỏa ra sức nóng mạnh hơn so với những thách thức ngoại giao mà Mỹ phải đối mặt.
Liệu Washington có đứng yên nhìn Bắc Kinh leo thang xây đảo tại Biển Đông. Ảnh: Flickr/Anthony Quintano |
Vì vậy, dưới đây là 5 câu hỏi về chính sách ngoại giao lớn mà James M.Lindsay cân nhắc:
1. Có phải chúng ta đang đứng trên bờ vực suy thoái kinh tế toàn cầu và nếu như vậy thì hậu quả là gì?
Tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số của Trung Quốc tạo ra thời kỳ bùng nổ trên khắp thế giới khi mà các nước ồ ạt tiếp tế cho sự hùng mạnh về kinh tế của Trung Quốc. Nhưng giờ đây, Bắc Kinh nói rằng tốc độc tăng trưởng của họ đã giảm xuống dưới mức 7% và có lẽ họ còn giảm thấp hơn.
Giá dầu đã giảm mạnh gây khó khăn cho các nhà sản xuất dầu trên khắp thế giới.
Cục dự trữ Liên bang Mỹ đang tìm cách tăng lãi xuất mà không trì hoãn sự phục hồi nền kinh tế yếu kém của nước này. Không có nền kinh tế lớn nào sẵn sàng khơi lại thời kỳ bùng nổ, bức tranh kinh té toàn cầu có thể xấu đi - có lẽ là xấu đi rất nhiều. Ảnh hưởng chính trị và địa chính trị có thể sẽ rất lớn.
Liệu Bắc Kinh sẽ tham chiến nhiều hơn ở nước ngoài để bù đắp lại thời kỳ khó khăn ở quê nhà? Nga sẽ như thế nào? Những nỗ lực của các nước sản xuất hàng hóa có hạn chế được việc chính phủ châm ngòi cho khủng hoảng chính trị? Thách thức kinh tế có đẩy mạnh phong trào di cư từ những nước nghèo sang các nước giàu?
2. Châu Âu sẽ vượt qua nguy hiểm hay tiếp tục xung đột trong năm 2016?
Đây là một năm đầy biến động cho những gì mà Mỹ gọi là "Thế giới cũ". Một cuộc suy thoái đang nghiền nát thế giới này.
Những kế hoạch thắt lưng buộc bụng gây thiệt hại sâu sắc nhưng tạo ra sự phục hồi yếu ớt. Nhiều cuộc khủng hoảng nợ làm dấy lên câu hỏi về khả năng tồn tại của khu vực đồng euro. Một phản ứng dữ dội thuộc chủ nghĩa dân túy (ở thời kỳ bài ngoại) chống lại EU và ý tưởng về một "liên minh gần gũi hơn bao giờ hết". Và, một cuộc khủng hoảng di cư, tị nạn đã để lộ ra sự chia rẽ quyết liệt giữa các nước và bên trong từng nước.
Giải pháp cho những vấn đề này đang thiếu. Nếu châu Âu không lấy lại được sức mạnh ma thuật của mình vào năm 2016 thì liệu chúng ta có phải nói đến chuyện tháo gỡ liên minh EU - một trong những thành tựu vĩ đại thời hậu Thế chiến II - vào năm 2017?
4. Bất ngờ tiếp theo của điện Kremlin là gì?
Vào năm 2014, bất ngờ đó là sự sáp nhập Crimea. Vào năm 2015, đó là sự can thiệp vào Syria. Tổng thống Vladimir Putin thích thể hiện sức mạnh (vốn đã bị teo lại) của Nga, thích phá vỡ nguyên trạng và sẽ muốn chia rẽ Mỹ với bạn bè và đồng minh của họ. Liệu ông ấy có động thái mới trong năm 2016? Nếu có thì nó là gì và ở đâu?
4. Liệu Nhà Trắng - hoặc bất cứ ai khác - có một chiến lược để giải quyết một Iran được năng lược hóa?
Thỏa thuận hạt nhân Iran là một trong những phát triển quan trọng nhất của năm 2015. Nhưng ý nghĩa chủ yếu của nó sẽ thay đổi, ít hơn những gì mà P5+1 đồng ý tại Vienna và nhiều hơn những gì mà họ đang làm theo thỏa thuận này. Iran sẽ nhận được 100 tỷ USD khi các lệnh trừng phạt họ bị dỡ bỏ. Điều này sẽ thúc đẩy nền kinh tế đang vật lộn của Iran và khiến Tehran dễ dàng can thiệp vào các khu vực lân cận hoặc ở xa.
Nhà Trắng hy vọng thỏa thuận hạt nhân sẽ làm thay đổi mối quan hệ của Iran với phương Tây và thậm chí có thể thay đổi chính Iran. Nhưng cái gì kết hợp với "cây gậy và củ cà rốt" (một chính sách ngoại giao mà nước lớn lấy răn đe và phần thưởng ra nhằm thay đổi hành vi nước nhỏ) sẽ tối đa hóa khả năng để có một Iran thay đổi, tối thiểu hóa cơ hội để Tehran có thể lật đổ các nước láng giềng và ngăn chặn sự xuất hiện của một Iran được vũ trang hạt nhân trong 15 năm?
5. Mỹ sẽ làm gì nếu Trung Quốc leo thang xây đảo tại Biển Đông?
Trung Quốc đòi yêu sách với phần lớn Biển Đông và đang xây các đảo nhân tạo để biến yêu sách thành sự thật. Mỹ không giữ vị thế đối với các yêu sách hàng hải của Trung Quốc nhưng dứt khoát bác bỏ tuyên bố chủ quyền đối với khu vực 12 hải lý quanh những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép.
Để tăng tính hiệu quả cho sự bác bỏ này, một tàu khu trục của hải quân Mỹ đã tiến sát một trong những đảo nhân tạo vào cuối tháng 10/2015. Sau đó, vào tháng 12/2015, một máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã vô tình bay qua một hòn đảo khác. Trung Quốc đã lên tiếng phản đối bằng đường ngoại giao trong cả 2 vụ việc trên và cho đến nay, đâu vẫn vào đấy. Nhưng nếu Trung Quốc đấu lại, dù là cố ý hay vô tình thì liệu Mỹ hoặc một đồng minh của họ ở gần 1 trong những đảo trên có hành động quân sự? Và thậm chí, nếu Bắc Kinh tiếp tục phản đối bằng đường ngoại giao, thì Mỹ hoặc các nước khác trong khu vực có chịu đứng yên?
Cuối cùng, tác giả James M. Lindsay cũng không thể đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi trên. Hãy cùng chờ đợi đáp án trong năm nay - 2016.
Bảo Linh (theo National Interest)