Theo nhiều phân tích đánh giá, Nga vẫn đang duy trì được vị thế rất tốt và đủ khả năng giáng trả bất cứ hành động quân sự nào do Mỹ phát động tấn công Syria.
Chỉ vài ngày sau khi diễn ra vụ tấn công hóa học tại thị trấn Douma, Đông Ghouta, và khi mối quan hệ Nga - Mỹ rơi vào giai đoạn khó kiểm soát nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, truyền thông thế giới ngập tràn thông tin về các động thái quân sự liên quan tới .
Đó là những đồn đoán về các phương tiện được âm thầm điều chuyển đến quốc gia Trung Đông này, hay phi cơ chiến đấu, máy bay trinh sát thực hiện các cuộc bay lượn tuần tra trên và gần không phận Syria cùng rất nhiều các tuyên bố đáp trả qua lại mạnh mẽ khác.
Thế giới có vẻ như lại sắp chứng kiến một chiến dịch quân sự do Mỹ đứng đầu chống tại Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria và Nga cũng đã nhiều lần tuyên bố sẽ giáng trả ngay lập tức bất cứ hành động nào như vậy.
Nga sẽ đáp trả như thế nào? Một số kịch bản có thể diễn ra: Moscow chẳng hành động gì về quân sự, thay vào đó sẽ chọn cách tiến hành các biện pháp hoàn toàn phi đối xứng như tấn công mạng hay một dạng phô diễn sức mạnh quy mô lớn nào đó. Hoặc thậm chí không làm gì trên tất cả các mặt trận.
Với những kích bản như trên thì chẳng cần bàn thảo nhiều xem Nga sẽ tính đến các lựa chọn quân sự nào. Tuy nhiên, hãy đặt tình huống Nga sẽ đáp trả mạnh mẽ các đòn tấn công của Mỹ bằng biện pháp quân sự, khi đó Moscow sẽ có những lựa chọn nào?
Tàu khu trục USS Donald Cook của Hải quân Mỹ di chuyển qua Biển Đen tháng 4/2014 |
Hủy diệt phương tiện mang phóng Tomahawk
Hiện tại, khi bàn tính tới đòn đáp trả của Nga thì kịch bản gần như chủ yếu xoay quanh không gian tác chiến của hải quân. Chưa chắc chắn, nhưng khả năng cao là từ Địa Trung Hải, Mỹ sẽ phát động tấn công bằng các loạt tên lửa hành trình Tomahawk phá hủy những mục tiêu ở Syria.
Kịch bản trên có rất nhiều khả năng xảy ra nhưng cuộc tấn công lần này của Mỹ sẽ được yểm trợ thêm nhiều phương tiện chiến đấu khác như máy bay ném bom B-2, F-22 Raptor cùng các vũ khí tấn công từ xa khác.
Dù sử dụng loại nào thì Nga cũng sẽ đáp trả bằng cách tấn công ngược trở lại các tàu phóng Tomahawk hoặc tàu chiến Mỹ bằng tên lửa chống hạm. Nga đã từng điều nhiều biến thể chiến đấu cơ Sukhoi mang theo các tên lửa đối hạm Kh-35 tới hoạt động trên không phận Tartus, Syria.
Tàu khu trục USS Preble phóng tên lửa Tomahawk ngoài khơi bờ biển California |
Có nhiều khả năng Nga sẽ cố gắng giữ cho cuộc xung đột diễn ra trong phạm vi biên giới của Syria bằng cách tấn công có trọng điểm vào các lợi ích và cơ sở của Mỹ ở Đông Syria. Đó là những thành phần ủng hộ lực lượng dân quân không phải người Kurd nhưng cũng chống Tổng thống Assad kịch liệt, chẳng hạn như Liên minh Ả Rập Syria.
Căn cứ huấn luyện và xuất kích gần thị trấn At Tanf giáp biên giới Jordan, Iraq và Syria cũng sẽ là một mục tiêu "hấp dẫn". Trong quá khứ, căn cứ này đã từng bị Nga tấn công vào tháng 6/2016.
Các tay súng trung thành với Tổng thống Assad được Iran hậu thuẫn đã tiến hành không ít hơn 2 cuộc tập kích vào căn cứ một năm sau đó. Hai máy bay không người lái hiện đại của Iran cũng đã từng bị bắn hạ tại căn cứ bởi các tiêm kích F-15E trong các cuộc tấn công này.
Hay là những vị trí tương tự nằm rải rác tới tận phía Bắc Syria như al Raqqa hoặc phía Đông như Deir ez-Zor. Săn lùng những mục tiêu này sẽ cho phép Nga tấn công được vào các lợi ích của Mỹ ở Syria mà không giết hại lực lượng chiến binh người Kurd do Mỹ hậu thuẫn.
Dàn trận tấn công tầm xa
Ngoài ra, Nga còn rất nhiều lựa chọn để thực hiện một đòn tấn công từ ngoài tầm bao phủ của các hệ thống phòng không đối phương mà Moscow đã bố trí sẵn trong khu vực. Bởi thực tế nếu điều tới đây các máy bay chiến thuật, rất có thể Nga sẽ phải chịu thiệt hại lớn trước những chiến đấu cơ hùng mạnh của Mỹ như F-22 Raptor.
Trong phạm vi lãnh thổ Syria, Nga đã triển khai các hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion-P mà mỗi tổ hợp này đều có rất nhiều dàn phóng cơ động mang theo các tên lửa P-800 Oniks.
Về chức năng, đây là loại tên lửa chống hạm tấn công trên biển nhưng tháng 11/2016, các lực lượng Nga ở Syria đã chứng tỏ vũ khí này còn có khả năng thực hiện nhiệm vụ thứ hai: tấn công mặt đất.
Tên lửa hành trình tầm xa Kalibr được phóng đi từ tàu chiến Nga trên biển Địa Trung Hải |
Một tàu chiến lớp Đô đốc Grigorovich khác cũng đang hiện diện gần đó ở Biển Đỏ có thể sẵn sàng tham chiến.
Nga còn có rất nhiều tàu ngầm có thể phóng tên lửa Kalibr và có thể đang hoạt động ở Địa Trung Hải. Cuối năm 2017, hai tàu ngầm lớp Kilo cải tiến đã đi vào khu vực, cả hai đều trang bị loại tên lửa hành trình này cùng các tàu lớp Kilo của Hạm đội Biển Đen hiện đang hoạt động thường trực trong khu vực.
Bằng cách tấn công từ Địa Trung Hải, Nga sẽ không phải xin phép phóng tên lửa qua không phận nước thứ ba. Ngược lại, Moscow sẽ phải hành động mà không được sự cho phép dẫn tới nguy cơ gây ra các cuộc phản đối ngoại giao, hoặc tồi tệ hơn là xảy ra tình huống một trong các tên lửa rơi xuống lãnh thổ một quốc gia nào đó mà nó bay qua.
Điều những vũ khí mới nhất tham chiến
Một lựa chọn khác cũng có thể được Nga tính tới là điều động các máy bay ném bom tầm xa như Tu-22M3, Tu-160M và Tu-95M mang theo các tên lửa hành trình phóng từ trên không Kh-55 và Kh-101. Kremlin đã từng sử dụng những tên lửa này, cất cánh từ các căn cứ không quân của Nga để tiến hành các cuộc tấn công mục tiêu khủng bố ở Syria.
Thậm chí còn có khả năng Nga tận dụng cơ hội lần này để trình diễn các loại vũ khí mới phát triển.
Không quân Nga tuyên bố đã trang bị Kh-47M2 Kinzhal, phiên bản phóng từ trên không của tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M trang bị cho các tiêm kích đánh chặn MiG-31 thuộc biên chế của Quân khu miền Nam.
Dòng máy bay này, được thiết kế cho các chiến dịch tấn công tầm xa, chắc chắn đủ khả năng mang theo tên lửa Kinzhal xuất kích từ các căn cứ Nga để không kích các mục tiêu ở Syria.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Kremlin có sẵn sàng đưa loại vũ khí này vào tham chiến lần đầu tiên hay không và cũng chưa biết nó có được trang bị đầu đạn thông thường.
Với tất cả các lựa chọn và phương án như phân tích ở trên, có thể thấy rằng Nga đang duy trì được vị thế rất tốt và đủ khả năng giáng trả bất cứ hành động quân sự nào do Mỹ phát động tấn công Syria.
Tuy nhiên, một câu hỏi rất lớn đặt ra là hậu quả nào sẽ đến sau những hành động "ăn miếng trả miếng" nếu diễn ra giữa hai cựu thù thời Chiến tranh Lạnh nhưng lại chưa khi nào tiến gần tới đối đầu như hiện nay trong nhiều thập kỷ qua?