Mỹ tiếp tục đưa các máy bay giám sát tới khu vực Đông Á do sự thiếu minh bạch trong việc tăng cường quân sự của Trung Quốc bất chấp bị Bắc Kinh phản đối.
Cuối tháng vừa rồi, Bắc Kinh kêu gọi Mỹ cắt giảm, thậm chí là ngừng việc đưa máy bay tuần tra tới giám sát khu vực Đông Á nếu muốn nghiêm túc tìm cách cải thiện mối quan hệ song phương vốn đang xuống cấp.
Yêu cầu này được đưa ra sau vụ đánh chặn máy bay ngày 19/8. Washington cáo buộc máy bay Trung Quốc đã có hành động nguy hiểm, bay rất sát máy bay chống ngầm P-8 Poseidon và máy bay trinh sát của hải quân Mỹ đang hoạt động tại vùng biển quốc tế ở phía đông nam đảo Hải Nam.
Khi được hỏi về lời kêu gọi của Trung Quốc, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel, nhà ngoại giao cấp cao Mỹ tại khu vực Đông Á đã chỉ ra việc Trung Quốc tăng cường lực lượng quân sự rất lớn trong những năm gần đây và giấu giếm việc này.
“Chúng tôi có quyền thực hiện những nhiệm vụ hợp pháp bên ngoài không phận Trung Quốc và chúng tôi làm vậy là hoàn toàn thuyết phục”, ông Russel nói với Reuters.
“Thành thật mà nói, sự thiếu minh bạch trong việc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc là nguồn gốc của những quan ngại đến từ các nước láng giềng của Bắc Kinh. Chúng tôi tin rằng tất cả khu vực, kể cả Trung Quốc, đều hưởng lợi ích từ việc gia tăng tính minh bạch”.
Ông Russel chỉ ra những động thái hung hăng của Trung Quốc khi đẩy mạnh các yêu sách chủ quyền tại Biển Đông, bao gồm việc tăng tốc cải tạo đất tại những rạn san hô và bãi cát ngầm. Đó là nguyên nhân gây ra sự lo lắng cho các nước khác trong khu vực.
Hành động đánh chặn máy bay Mỹ của Trung Quốc diễn ra hôm 19/8 đã khiến mối quan hệ của 2 nước bị rạn nứt nghiêm trọng
Trong khi Bắc Kinh chỉ ra mình không phải là bên duy nhất thực hiện những việc trên và điều này hoàn toàn đúng sự thật thì họ lại không đề cập tới việc “tốc độc cải tạo đất của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông đã vượt xa so với những gì mà các bên khác đã làm trước đó với nhiều mức độ khác nhau”.
Hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc được chứng minh là “đáng sợ và đáng lo ngại” cho các nước láng giềng, ông Russel nói.
“Nó đặt ra các câu hỏi và những mối quan ngại trong khu vực - đó là Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng các căn cứ quân sự, Trung Quốc thu hồi đất trên các bãi cát ngầm để mở rộng phạm vi hoạt động và tạo ra một câu trả lời về quyền lực thực sự cho câu hỏi ai là người có quyền với những vùng đất khác nhau đó?”, ông nói.
Ông Russel từ chối đưa ra quan điểm về các kế hoạch của Trung Quốc nhưng cho biết: “Tôi nghi những gì họ đang làm đó là làm mất ổn định tình hình, làm cho việc giải quyết yêu sách của các bên liên quan khó khăn hơn, không dễ dàng hơn”.
Bắc Kinh lập luận rằng việc Mỹ tiến hành tuần tra với “tần số cao, chặt chẽ” se khiến lợi ích an ninh của Trung Quốc bị tổn hại nghiêm trọng.
Sự cố tháng tước xảy ra cách đảo Hải Nam – nơi có nhiều căn cứ quân sự, trong đó có một hạm đội tàu ngầm nhạy cảm của Trung Quốc 220 km.
Trong số các tàu ngầm tại căn cứ này có các tàu lớp Jin, có thể mang vũ khí hạt nhân, được vũ trang tên lửa đạn đạo, dự kiến sẽ tạo thành một phần chủ đạo trong chiến lược răn đe hạt nhân của Trung Quốc.
Bảo Linh/Người đưa tin (Theo Reuters)