Một tòa án của Liên hợp quốc sẽ chế ngự các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông. Nhưng điều mà Bắc Kinh muốn là kiểm soát nhiều hơn các rạn san hô, các đá, đảo tại vùng biển này, chuyên gia Alexander Neill lập luận. Đây cũng là trọng tâm các kế hoạch của Trung Quốc để lực lượng tàu ngầm của họ có thể bùng nổ tại Thái Bình Dương.
Mỹ, Trung đều đang nâng cấp các hạm đội tàu ngầm của họ. Ảnh: Getty |
Trong lịch sử, các dự án cơ sở hạ tầng quốc gia của Trung Quốc có xu hướng hoành tráng về quy mô - Vạn lý Trường thành và Đập Tam Hiệp là những ví dụ ở cả thời cổ đại lẫn hiện đại. Trung Quốc hiện đã chứng minh được khả năng như vậy ở trên biển bằng việc sắp mở một chuỗi các căn cứ quân sự trên khắp Biển Đông. Ở khu vực này, cách đây 2 năm thôi vẫn còn rất ít những mỏ đá, bãi cát và rạn san hô nằm rải rác trong khu vực.
Sự chú ý của quốc tế tập trung vào lý do tại sao Bắc Kinh lại xây những đảo nhân tạo này nhanh đến vậy. Có suy đoán cho rằng trước phán quyết sắp tới của Tòa trọng tài Thường trực của Liên hợp quốc (PCA) về tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc, Bắc Kinh đã đẩy nhanh dự án để tạo ra "sự đã rồi" hoặc "vạn lý tường thành bằng cát".
Với Trung Quốc, chủ quyền quốc gia và sự tín nhiệm của đảng Cộng sản đang bị đe dọa.
Việc xây đảo phục vụ 2 mục đích, vừa củng cố yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, vừa tạo ra một sự hiện diện liên tục, cả về quân sự lẫn dân sự, tại Biển Đông.
Trung Quốc lập luận rằng ngoài các biện pháp bảo vệ đảo cần thiết, chúng cũng sẽ phục vụ cho lợi ích công cộng. Trung Quốc đã xây những hải đăng và một bệnh viện trên đảo Chữ Thập và có thể họ sẽ thành lập cơ quan hành chính trên các đảo này.
Nhưng một yếu tố quan trọng đối với các động cơ xây đảo của Trung Quốc nằm ở dưới mặt biển.
Trung Quốc nhanh chóng xây đảo trên các bãi đá tại Biển Đông. Ảnh: Reuters |
Mối quan tâm của PLA đối với những lỗ hổng của hệ thống vũ khí hạt nhân trên đất liền và khả năng tấn công đáp trả khiến Trung Quốc đặt một số đầu đạn hạt nhân lên các tàu ngầm.
2 năm trước, Trung Quôc đã lần đầu triển khai tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Jin, mỗi chiếc được trang bị 12 tên lửa hạt nhân JL-2.
Hoạt động tại căn cứ hiện đại nhất gần Sanya, cực nam đảo Hải Nam, các tàu ngầm lớp Jin hiện đang tuần tra ở sâu dưới đáy Biển Đông. Nhưng để tới được phạm vi của Mỹ, chúng phải bùng nổ ở Thái Bình Dương.
Trước khi cá tàu ngầm làm được điều này, chúng phải rời khỏi căn cứ Hải Nam, xuyên qua Biển Đông để tới thái Bình Dương mà không bị phát hiện. Lầu Năm Góc tin rằng cuộc tuần tra Thái Bình Dương đầu tiên như thế này sẽ diễn ra trong năm nay.
Một vùng rộng lớn phía nam Biển Đông khá nông - sâu chưa tới 100 m. Tuy nhiên, khu vực gần tiếp giáp với yêu sách "đường 9 đoạn" của Trung Quốc tại Biển Đông, thềm lục địa trũng xuống khoảng 4.000 m, cung cấp nơi ẩn nấp tốt hơn cho tàu ngầm.
Đó là lý do tại sao một số chuyên gia tin rằng khu vực nước sâu tại Biển Đông và những nỗ lực chống taufn gầm tăng cường của Trung Quốc ở đó, có thể cung cấp một pháo đài cho các tàu ngầm Trung Quốc trong tương lai.
Trong những năm gần đây, vùng nước sâu tại Biển Đông đã trở thành chiến trường để Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh.
Đầu năm 2009, các tàu cá Trung Quốc đã cố cắt đứt những dây cáp được gắn vào một mảng sonar của tàu do thám USNS Impeccable của Mỹ ở ngoài khơi đảo Hải Nam. Cuối năm đó, một tàu ngầm Trung Quốc đã đâm vào một mảng sonar dưới nước của tàu khu trục USS John McCain, hoạt động gần Vịnh Subic, ngoài khơi Philippines.
Gần đây, Trung Quốc đã tung ra khả năng săn ngầm mới. Ngày 8/6, Hải quân PLA đã biên chế tàu khu trục Type 056A mới - Qujing - có khả năng tác chiến chống ngầm và sẽ được đưa tới Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng tuyên bố Lầu Năm Góc sẽ đầu tư 8 tỷ USD để đảm bảo tính năng chết chóc của lực lượng tàu ngầm nước này - "sự im lặng" - trong đó có cả việc trienerk hai các máy bay không người lái dưới biển khu vực này.
Tương tự như việc Mỹ và các đồng minh đã tạo ra một mạng lưới các thiết bị nghe dưới đáy biển ở khắp châu Á để nghe lén các tàu ngầm của Nga trong chiến tranh Lạnh, Trung Quốc hiện đang triển khai một mạng lưới tương tự từ các căn cứ của họ ở khắp Biển Đông.
Các ảnh vệ tinh cho thấy những đảo mới của Trung Quốc có tua tủa những cảm biến tiên tiến gồm: các mảng radar và các trạm thông tin liên lạc vệ tinh. Tất cả những thứ này đều tăng cường nhận thức tình huống cho hải quân Trung Quốc ở trên và dưới Biển Đông.
Những công nghệ như thế này cũng cung cấp cơ sở hạ tầng chỉ huy và kiểm soát thông tin liên lạc với lực lượng tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Trung Quốc, không chỉ giúp nó tránh bị phát hiện mà còn giúp nhắm tới bất cứ kẻ thù nào.
Bảo Linh (BBC)