Kế hoạch xây căn cứ quân sự tại Djibouti của Trung Quốc có thể bước đi đầu tiên hướng tới sự thâm nhập sâu hơn tại châu Phi của Bắc Kinh - một chiến lược sẽ khiến Mỹ "rất lo lắng", theo nhà báo James Poulos.
Mỹ đã đầu tư vào châu Phi từ lâu, giờ đây Trung Quốc bắt đầu ngó ngàng đến "miếng bánh" béo bở này. Ảnh: Reuters |
Đài Sputnik của Nga đưa tin năm 2015, Trung Quốc đã bắt đầu các cuộc đàm phán với Djibouti để xây dựng một "trung tâm hậu cần" và sân bay ở đất nước đông Phi này.
"Trong vài năm qua, mối quan hệ hợp tác thân thiết giữa 2 nước tiếp tục phát triển và tất cả các lĩnh vực đều có sự hợp tác thiết thực", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nói với các phóng viên hồi tháng 6/2015.
Mỹ - hiện cũng đang có các căn cứ quân sự ở Djibouti - đã dấy lên quan ngại về việc Trung Quốc mở rộng phạm vi ảnh hưởng tại đây. Theo James Poulos, phóng viên của tờ The Week, Washington có quyền lo lắng.
"Nhờ vào những thách thức và ưu tiên khác nhau mà 2 cường quốc đang phải đối mặt, việc can thiệp vào châu Phi dường như là một bữa tiệc với Trung Quốc và là nạn đói đối với Mỹ", ông Poulos viết.
Ví trí chiến lược của Djibouti nằm dọc Biển Đỏ cũng như có chính phủ ổn định khiến đây là một nơi lý tưởng cho cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Nhưng trong khi Washington đã sử dụng những căn cứ quân sự ở châu Phi của mình để tiến hành các hoạt động của máy bay không người lái thì căn cứ của Bắc Kinh sẽ là lần đầu tư mới nhất vào lục địa này.
"Ở châu Phi, Trung Quốc không chỉ tìm thấy thị trường để kiếm tiền mà còn tạo ra công ăn việc làm và có đất đai - những yếu tố quan trọng để tăng trưởng kinh tế bền vững", ông Poulos viết.
Tại Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi hồi tháng 12/2015, Bắc Kinh hứa sẽ đầu tư 60 tỷ USD vào châu Phi. Thay vì các loại viện trợ phi lợi nhuận như phương Tây - các Chính sách ngăn cản tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng sự phụ thuộc của châu Phi vào những nước giàu - hầu hết tiền đầu tư của Trung Quốc sẽ đến dưới hình thức các khoản vay và tín dụng xuất khẩu.
"Trung Quốc hoạt động tại châu Phi với sự tự tin lớn hơn và có nhiều mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, có nhiều sắc thái hơn so với các công ty của Mỹ và chính phủ liên bang", Hội đồng Quan hệ Ngoại giao ghi nhận. "Nỗ lực ngoại giao dễ thấy nhất của Chính phủ Mỹ tại châu Phi, chương trình Power Africa, đang trục trặc. Các doanh nghiệp Mỹ không thu được lợi nhuận đáng kể do buôn bán ế ẩm".
Như ông Poulos chỉ ra, Mỹ cũng đã sa lầy trong các chính sách can thiệp, đối đầu với các nhóm khủng bố như al-Shabab, IS và Boko Haram.
"Trong khi Trung Quốc được tự do theo đuổi các lợi ích tài chính và kinh tế một cách tập trung và rõ ràng, điều này cho phép chương trình nghị sự chính trị và quân sự được mở ra phù hợp thì Washington phải vật lộn để theo kịp với tình hình an ninh tồi tệ vốn không khiến họ tận dụng được các thế mạnh", ông viết.
"Thay vì vươn tới khu vực trung tâm hạ Sahara của châu Phi - nơi Trung Quốc đang tiến hành các thỏa thuận có ảnh hưởng hoặc sinh lợi - Mỹ sẽ phải căng mình ra ở khu vực bắc Phi trải rộng, cằn cỗi".
Khi mà Trung Quốc đang đạt được những tiến bộ ở châu Phi, Mỹ dường như đang yếu dần.
"Mặc dù ảnh hưởng của al-Shabab đã giảm đi đáng kể, Ethiopia đã "đuổi" Mỹ ra khỏi căn cứ máy bay không người lái mà Washington hy vọng sẽ mở rộng... Nói cách khác, khi mà Trung Quốc mở các cửa hàng ở Djibouti thì Mỹ lại hạn chế chính mình ở nước này để dành cho các hoạt động ở khu vực đông Phi - một bước đệm bấp bênh trong một môi trường cạnh tranh".
"Năm nay, châu Phi có thể trở thành một con hải âu mới đối với Mỹ và một con đường huyết mạch mới cho Trung Quốc".
Bảo Linh(theo Sputnik)