Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt khi một tàu chiến Mỹ áp sát một trong những đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép tại Biển Đông.
Hành động này không châm ngòi cho một cuộc đối đầu, cũng không làm đảo lộn bất cứ hoạt động xây đảo nào của Trung Quốc. Nhưng, nó đã gửi một thông điệp rõ ràng tới cả Bắc Kinh lẫn những đồng minh của Mỹ là Washington muốn thách thức những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và việc đảm bảo tự do hàng hải.
Tác động là gì?
Như những vụ việc trước đó, Bắc Kinh có khả năng lên án hành động của Mỹ trong một thời gian trước khi tái khẳng định lại quan điểm được chính phủ tính toán khôn ngoan: coi trọng mối quan hệ với Mỹ.
Tuy nhiên, phản ứng giận dữ nhấn mạnh vào những căng thẳng trong khu vực chiến lược quan trọng khi mà 1/3 thương mại toàn cầu đều qua đây.
Xích mích có thể trầm trọng hơn khi trọng tâm mới của Mỹ tại châu Á chống lại khẳng định chủ quyền ngày càng mạnh mẽ của Bắc Kinh đối với hầu hết toàn bộ vùng biển, đảo, rạn san hô và đảo san hô tại khu vực. Trung Quốc nói rằng tuyên bố chủ quyền của họ khong mâu thuẫn với quyền lợi hoạt động tại Biển Đông của các nước khác mặc dù Bộ Quốc phòng của họ đã cáo buộc Mỹ lợi dụng những quyền đó.
Mỹ sẽ tiếp tục đưa tàu áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép tại Biển Đông. Ảnh: AP |
Hải quân Mỹ đã làm gì?
Sự việc diễn ra tương đối nhạt nhẽo. Hải quân Mỹ đưa tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen qua một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép trên Đá Xu Bi tại quần đảo Trường Sa. Tuyến đường đi nằm trong phạm vi 12 hải lý quanh các rạn san hô mà Trung Quốc xây đảo trái phép. Tuy nhiên, luật pháp quốc tế cho phép các tàu chiến qua vùng lãnh hải của các nước khác nhưng "không làm gì" mà không cần thông báo trước. Và không có dấu hiệu nào cho thấy tàu chiến Mỹ đã làm bất cứ điều gì ngoài việc đi qua. Tuy nhiên, Mỹ cho biết trước chuyến đi này đó là họ nhằm tới việc thách thức những yêu sách của Trung Quốc đối với các đảo nhân tạo trái phép.
Tại sao Hải quân Mỹ hành động?
Việc điều tàu chiến tới Biển Đông được dự định là để củng cố sự nhấn mạnh vào tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông của Washington. Trong khi Mỹ nói rằng họ không có yêu sách tại khu vực này thì cũng khẳng định các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép ở đây cũng không trở thành lãnh thổ có chủ quyền và không thể tuyên bố lãnh hải. Chuyên gia Trung Quốc Yu Maochun đến từ viện Hải quân Mỹ cho biết cho tới khi tình trạng pháp lý tại Biển Đông được giải quyết triệt để thì những sự việc như thế này "còn tiếp tục không giảm".
Trung Quốc phản ứng thế nào?
Trung Quốc phản ứng một cách giận dữ, nói rằng việc đi lại ở đây là bất hợp pháp, rằng hành động của Mỹ là xâm phạm chủ quyền Trung Quốc và đe dọa đến an ninh của hòn đảo cũng như khu vực.
Trung Quốc nói rằng việc này sẽ ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ - Trung và triệu tập Đại sứ Mỹ Max Baucus tại Bắc Kinh để phản đối cấp cao.
Chưa rõ Trung Quốc tuyên bố việc đi lại ở khu vực này là bất hợp pháp dựa trên cơ sở nào, bởi vì họ chưa bao giờ làm rõ cơ sở tuyên bố chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông (thực tế là không có cơ sở để làm rõ).
Phản ứng của Trung Quốc - cho tới nay vẫn chỉ là kiểu "ăn to nói lớn" - cho thấy Bắc Kinh có thể ngầm thừa nhận tự do hàng hải tại khu vực nhưng "không muốn Mỹ thực hiện thủ tục này", theo Phillip Saunders, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vấn đề Quân sự thuộc ĐH Quốc phòng Mỹ.
Phản ứng của người dân Trung Quốc?
Các diễn đàn mạng Trung Quốc đang sục sôi kêu gọi đường lối cứng rắn chống lại Mỹ. Tờ China Daily hôm 27/10 đã đăng tải một bài xã luận cáo buộc Washington "khuấy đảo nguy cơ ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định tại khu vực" và sử dụng sự cưỡng chế để thách thức cái gọi là "tuyên bố chủ quyền lãnh thổ hợp pháp" của Trung Quốc.
Tình cảm ủng hộ của người dân Trung Quốc cho thấy ưu thế của quân đội nước này trong việc đối mặt với sự đáp trả của đối thủ mặc dù đến nay, Bắc Kinh vẫn luôn né tránh leo thang quân sự.
Tình cảm của người dân Trung Quốc tại Biển Đông không mãnh liệt bằng thái độ tiêu cực với Nhật Bản khi 2 nước đang cạnh tranh nhau quyền kiểm soát Hoa Đông.
Hệ lụy lâu dài?
Trung Quốc nói rằng sẽ tiếp tục các dự án xây đảo trái phép đang diễn ra, trong đó có việc xây các tòa nhà, bến cảng, đường băng được ưu tiên. Tuy nhiên, những đồng minh trong khu vực của Washington đã được chấn an bởi sự kiên quyết của Mỹ sau khi làm ấm quan hệ quân sự với Philippines và các nước khác. Điều đó có thể củng cố quyết tâm của các nước láng giềng Trung Quốc trong việc đứng lên chống lại sự quyết đoán của Bắc Kinh.
Các nước khác trong khu vực, trong đó có Singapore và Indonesia luôn cảnh giác với việc bị lôi kéo vào tranh chấp giữa Washington, Bắc Kinh. Tất cả các bên đều kêu gọi đàm phán để có được giải pháp dài hạn để dập tắt khả năng xung đột.
Bảo Linh (theo nytimes)