Hiện nay, miền Bắc nước ta đang bước vào mùa đông khi nền nhiệt giảm xuống thấp và thời tiết hanh khô. Điều này khiến cho các thành mạch máu co lại, dồn ứ khí huyết dẫn đến làm chậm quá trình lưu thông máu trong cơ thể.
Do đó sẽ khiến máu khó lưu thông đến những vùng xa tim như tay và chân. Điều này khiến cho chân tay bị lạnh trong mùa đông. Để làm ấm bàn tay, bàn chân trong mùa lạnh này, dưới đây là 7 lưu ý:
Xoa tay và chân
Việc thường xuyên chà sát lòng bàn tay, bàn chân có thể sẽ cải thiện tuần hoàn của mạch máu.
Bạn hãy xoa lòng bàn chân bằng lòng bàn tay thật nhanh, chà đến khi ấm nóng thì dừng lại. Hãy dùng 1 tay nắm chặt, 1 tay có sát vùng quanh bàn tay nắm chặt nhiều lần. Sau đó, đổi bên và làm tương tự. Việc này cũng có tác dụng lưu thông máu huyết, làm ấm nóng bàn tay, bàn chân.
Vận động nhanh
Đối với nhân viên văn phòng thường mải mê với công việc nên một số hoạt động nhẹ nhàng kết hợp với làm việc sẽ giúp làm nóng cơ thể. Bạn nên tập thể dục từ 3 đến 5 lần một tuần, mỗi lần 30 phút, giúp cải thiện sức khỏe, giữ ấm cho cơ thể.
Ngoài ra, khi xong việc, hãy đi ra ngoài, nên đi bộ thật nhanh. Việc đi bộ, leo cầu thang, chạy nhảy cũng giúp làm tăng nhiệt độ cơ thể.
Tắm nắng
Theo Y học Trung Quốc, cơ thể con người nên tăng thêm phần khí dương bằng cách tắm nắng.
Thời gian tắm nắng thích hợp là vào buổi chiều 16-18h, mỗi lần khoảng nửa tiếng. Ngoài ra, lúc tắm nắng có thể massage xoa bóp khắp cơ thể, giúp điều chỉnh phần tạng phủ trong cơ thể.
Hạn chế việc thức trắng đêm
Nhiều người thức đến 3 hoặc 4 giờ sáng. Hành động thiếu khoa học này sẽ làm cho bàn chân, bàn tay lạnh, não bộ mất kiểm soát, hệ thống miễn dịch bị yếu, cơ thể dễ bị nhiễm lạnh. Vào các mùa Thu và Đông cần phải đảm bảo giấc ngủ. Điều chỉnh thời gian hợp lý, ngủ sớm khi có thể.
Tắm và ngâm chân tay bằng dược liệu
Trong mùa này, bạn nên cho thêm vào nước tắm một vài loại dược liệu có sẵn như gừng hoặc tinh dầu quế . Nó có thể thúc đẩy tuần hoàn máu, giúp máu huyết lưu thông.
Ngoài ra nên ngâm chân vào buổi tối trước khi đi ngủ với nước nóng khoảng 40 độ nên cho thêm chút muối và gừng, để nước ngập mắt cá chân, ngâm trong khoảng 20 phút. Sau đó nhớ lau khô chân ngay và đừng để lạnh ướt.
Việc ngâm chân bằng muối và gừng giúp giảm bớt lạnh tay chân hiệu quả.
Mặc quần áo rộng
Dây thắt lưng, tất chân, hoặc cạp quần chật sẽ dẫn đến sự tuần hoàn máu kém, cơ thể có thể sẽ cảm thấy lạnh hơn.
Bảo vệ đôi bàn chân khi ngủ
Thận liên quan trực tiếp đến bàn chân. Khi ngủ bàn chân dễ bị lạnh nhất, bởi vậy khi ngủ nên mang tất ấm, tránh để bàn chân ban đêm bị lạnh.
Ngoài ra cũng nên duy trì chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung nhiều calo và vitamin, giúp cơ thể có năng lượng dồi dào, sản sinh ra được nhiều nhiệt lượng sưởi ấm cơ thể.
Ảnh: Tổng hợp