NASA tuyên bố kính thiên văn Kepler đã phát hiện 1.284 hành tinh, hầu hết là ngoại hành tinh. Trong số này có 9 hành tinh nằm trong vùng có thể sống.
Tại cuộc họp báo của NASA, giám đốc Bộ phận Vật lý Thiên văn Paul Hertz cho biết: "Kepler là kính thiên văn đầu tiên phát hiện những hành tinh đá nhỏ trong vùng sống được (habitable zone) của các ngôi sao chủ. Nhờ có Kepler, chúng tôi biết những ngoại hành tinh là phổ biến, hầu hết các ngôi sao trong thiên hà của chúng ta đều có hệ thống các hành tinh và chúng là những hành tinh có thể có sự sống. Hiểu biết này là bước đi đầu tiên để giải quyết việc liệu chúng ta có đơn độc trong vũ trụ này hay không".
Kính thiên văn Kepler. Ảnh: NASA |
Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2009, Kepler đã quan sát hơn 150.000 ngôi sao để xác định xem đâu là ngoại hành tinh.
Mục tiêu là phát hiện thêm nhiều hành tinh giống Trái đất hơn, hoặc là những hành tinh nằm trong vùng Goldilocks, nơi sự sống có thể tồn tại. Chúng thường có kích thước lớn gấp 1,6 lần Trái đất với địa hình núi đá. Trong số những hành tinh mới được phát hiện, có 9 hành tinh nằm trong vùng có sự sống của nguôi sao chủ và gần 550 hành tinh đá có kích thước gần giống Trái đất.
Kepler đã hoàn thành sứ mệnh chính của nó vào năm 2012 và thực hiện thêm nhiệm vụ bổ sung vào năm 2013.
Đến năm 2014, kính viễn vọng này thực hiện thêm nhiệm vụ mới tên K2 và đã giúp các nhà khoa học phát hiện gần 5.000 ngoại hành tinh.
Năm 2015, Kepler đã phát hiện hành tinh Kepler-452b có kích cỡ gần bằng trái đất, quay quanh một ngôi sao với chu kỳ 385 ngày.
Bảo Linh (CNN)