Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm qua ngày 22/2 bắt đầu tập trận chống ngầm tại vùng Địa Trung Hải. Cuộc tập trận nhằm gia tăng khả năng hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng hải quân các nước thành viên.
Theo báo cáo của NATO đăng ngày 22/2, các tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chống ngầm của 8 thành viên NATO đã bắt đầu cuộc tập trận Dynamic Manta 2016. Cuộc tập trận có sự tham gia của Anh, Pháp, Đức, Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ diễn ra tại ngoài khơi bờ biển Sicily của Italy.
Cuộc tập trận là các bài tập với những tình huống giả định nhằm chống lại các mối đe dọa từ tàu ngầm địch trong môi trường biển rộng và phức tạp. Các bài tập sẽ tăng cường năng lực hợp tác chiến đấu đa quốc gia của hải quân các quốc gia thành viên NATO.
Theo báo cáo, các tàu ngầm tham gia tập trận sẽ luân phiên nhau đóng vai trò tàu địch bị săn đuổi. Các tàu ngầm tấn công sẽ kết hợp chặt chẽ với các tàu chiến và lực lượng máy bay săn ngầm trên không tiến hành truy đuổi và khóa được mục tiêu đã định.
Gần đây, Mỹ và NATO liên tục tăng cường liên kết và phối hợp quân sự tại khu vực châu Âu. Mục đích chính nhằm đối phó với "các mối đe dọa ngày càng gia tăng".
Tập trận chống ngầm của NATO năm 2015. Ảnh: Reuters |
Đầu tháng 2/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - ông Ashton Carter cho biết Washington sẽ chi gấp 4 lần khoản kinh phí dành cho các kế hoạch tăng cường sự hiện hiện quân sự của Mỹ tại châu Âu. Con số này ước đạt 3,4 tỷ USD vào năm 2017.
Căng thẳng giữa Nga và Tổ chức này không ngừng tăng cao sau khi bán đảo Crimea sát nhập vào lãnh thổ Nga. Trong năm 2015, các quốc gia thành viên NATO như Phần Lan và Latvia cho biết từng phát hiện tàu ngầm của Nga gần vùng biển của họ.
Phi cơ Nga đã nhiều lần bị cáo buộc do tiếp cận, thậm chí là vi phạm không phận các quốc gia Bắc Âu và Bắc Đại Tây Dương cũng như Baltic.
Kể từ khi Nga can thiệp quân sự vào Syria cuối tháng 9/2015, vùng biển Địa Trung Hải chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng số lượng tàu chiến của các bên, khiến giới phân tích liên tục cảnh báo về nguy cơ xảy ra đụng độ và xung đột.
Nghiêm Thu (Tổng hợp)