Nga đã phải đối mặt với những lời chỉ trích nặng nề từ phương Tây về chiến dịch quân sự của họ tại Syria.
Lực lượng không quân Nga đã bị cáo buộc đánh bom bừa bãi. Nhóm nhân quyền của tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết họ đã có những "bằng chức thuyết phục" rằng Nga và quân đội chính phủ Syria đã "nhắm tới các bệnh viện và các cơ sở y tế một cách cố tình, có hệ thống" tại Aleppo, phía bắc Syria.
Nhưng trong chuyến đi tới Syria trong tuần này, nhóm phóng viên quốc tế cho biết quân đội Nga đang cố thuyết phục rằng họ đang đóng vai trò xây dựng: họ là sứ giả của hòa bình.
Các phóng viên của BBC cho biết họ được đưa tới 2 ngôi làng để xem quân đội Nga trao các đồ viện trợ như cá và thịt đóng hộp, đậu khô và bánh quy cho người dân.
Trên bao bì in cờ Nga và Syria với dòng chữ "Nước Nga cùng với bạn!" (viết bằng tiếng Nga chứ không phải tiếng Ả Rập).
Tại Maarzaf, gần Hama, các phóng viên thấy một cụ già trong làng đang ký vào một tuyên bố hòa bình với một sĩ quan quân đội Nga. Ngôi làng đã cam kết sẽ hỗ trợ tiến trình hòa giải tại Syria và chấp nhận sự kiểm soát của chính phủ Syria để được đảm bảo an ninh.
Một cái lều lớn được dựng lên cho dịp này và nhiều dân làng tới đây để chứng kiến sự kiện này. Sau đó, quân đội Nga đã phát kẹo và bánh quy cho trẻ em địa phương.
Các thủ lĩnh địa phương gặp mặt các quan chức quân sự tại Maarzaf. Ảnh: AP |
Các cuộc đàm phán là "khó khăn"
Tại Maarzaf, các phóng viên BBC đã gặp Ahmed Mubarak, một tộc trưởng ủng hộ Moscow, hiện đang cùng với người Nga thuyết phục dân làng tại tỉnh Hama ký vào các cam kết tương tự.
Vị tộc trưởng này có quân đội riêng: nhiều "binh lính" được trang bị vũ khí của ông trong làng tới tham dự buổi lễ, một số đứng trên nóc nhà, những người khác - khoác súng trên vai - đi lang thanh quanh đám đông.
Quân đội Nga đã đưa các phóng viên BBC tới ngôi làng trên một chiếc xe bọc thép và họ được khuyến cáo nên mặc áo giáp khi tới đây. Mặc dù đã có thỏa thuận hòa bình trong làng nhưng vẫn không có cảm giác này khi mà thỏa thuận hòa bình đã bị phá vỡ ở Syria.
Người Nga thừa nhận rằng các thị trấn và làng mạc không vội vã ký vào các thỏa thuận hòa bình.
"Các cuộc đàm phán với dân làng rất khó", Trung tá German Rudenko, chỉ huy Nhóm Hòa giải của quân đội Nga tại tỉnh Hama nói.
"Mọi người đang lo lắng rằng khi đồng ý hợp tác với chúng tôi, họ sẽ đối mặt với áp lực từ các nhóm khủng bố".
Người Nga đã ký một tuyên bố hòa bình tương tự với huyện al-Tall ở phía bắc Damascus. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả các đối thủ vũ trang của Tổng thống Bashar al-Assad đã buông vũ khí.
Một cư dân thị trấn nói với phóng viên Steve Rosenberg của BBC rằng vẫn có "các phiến quân" ở đây mặc dù bà ấy không nói rõ đó là nhóm nào.
"Chúng đang suy nghĩ, chúng sẽ không chống lại quân đội của chúng tôi. Một số nhóm đang cố để thích nghi, một số thì đang chờ đợi. Hiện vẫn chưa rõ ràng nhưng mọi thứ đang đi đúng hướng".
Liên hợp quốc cho biết việc chấm dứt chiến sự tại Syria, được đàm phán bởi Nga và Mỹ, đang diễn ra. Nhưng là mới chỉ diễn ra. LHQ mô tả nó "mong manh" và cảnh báo là "thành công không được đảm bảo".
Phóng viên bị pháo kích tại Syria
[mecloud]yPGBAxoGXB[/mecloud]
Ngày 1/3, trong khi các phóng viên quốc tế tới thăm ngôi làng Kinsibba, họ nghe thấy tiếng nổ trên sườn đồi. Ngay lập tức các phóng viên nằm sụp xuống đất, sau đó ẩn nấp sau những bức tường.
Tướng Nga đi cùng đã thông báo cho họ rút lui. Một xe bọc thép chở quân đã lộn nhào trên đường chính.
Vị tướng ra lệnh cho các phóng viên núp sau chiếc xe rồi dần di chuyển ra những chiếc xe đang chờ sẵn. Nhưng không phải tất cả các phóng viên đều núp được sau chiếc xe bọc thép này.
Họ nghe thấy thêm nhiều tiếng nổ. "Chạy đi, chạy đi!", vị tướng hét lên và các phóng viên lao tới chiếc xe đậu cách đó 100m, cuối cùng cũng an toàn.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố những phóng viên này bị pháo binh tấn công. 8 quả đạn pháo được bắn theo hướng biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.
Hãng thông tấn TASS của Nga sau đó đưa tin có 4 nhà báo nước ngoài đã "bị thương trong cuộc pháo kích tại Syria".
Phóng viên Steve Rosenberg cho biết họ không thể xác định những vụ nổ này là từ cái gì, từ đâu. Một số phóng viên trong nhóm đã bị thương nhẹ nhưng không phải do pháo kích hay mảnh đạn mà là vết cắt và bầm tím trong quá trình rút lui.
Cho dù chuyện gì đã xảy ra ở Kinsibba thì chắc chắn nó khớp với những gì Moscow nói đó là: trong khi Nga đang theo đuổi hòa bình tại Syria, các lực lượng khác lại đang muốn cuộc chiến tiếp tục.
Bảo Linh (BBC)