Do hái ổi trên cây vừa được phun thuốc kích thích, bệnh nhân đã phải nhập viện trong tình trạng ngộ độc, nôn mửa.
Theo tin tức trên báo VnExpress, chiều 14/2 Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai, Hà Nội) tiếp nhận trường hợp hi hữu bị ngộ độc nôn mửa do ăn ổi vừa bị phun thuốc kích thích tăng trưởng bởi người bố.
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn tại Trung tâm Chống độc cho biết may mắn là tình trạng ngộ độc của bệnh nhân không quá nặng nề. Thuốc đã được pha loãng, xịt lên cây trong diện rộng nên lượng thuốc bám vào quả không quá nhiều. Bệnh nhân sẽ được tiếp tục theo dõi điều trị trong vài ngày tới.
Theo khai thác từ người nhà bệnh nhân, người con do không biết bố mình vừa phun thuốc tăng trưởng, kích thích lên cây ổi nên đã hái quả ăn. Sau ăn khoảng 30 phút, thấy con có biểu hiện kích thích, nôn, gia đình hỏi ra mới biết nên đã đưa ngay đến bệnh viện.
Đây là trường hợp ngộ độc khá hy hữu. Trước đây, hóa chất độc hại dùng trong nông nghiệp hầu như chỉ có thuốc trừ sâu. Hiện nay, hóa chất rất đa dạng: Chất kích thích tăng trưởng, bảo quản hoa quả, chất diệt cỏ, nấm mốc... Trong số các hóa chất này, thuốc trừ sâu vẫn là nguyên nhân gây ngộ độc thường gặp nhất. Một tác nhân gây ngộ độc hay gặp nữa là thuốc diệt cỏ.
Nạn nhân bị ngộ độc đang nằm điều trị tại Trung tâm chống độc- Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống |
Tin tức trên báo Dân trí cho biết thêm, trong 9 ngày Tết, từ ngày 27 âm lịch đến nay, Trung tâm cũng tiếp nhận hơn 20 ca ngộ độc thuốc diệt chuột, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Các trường hợp này đa phần đều do tự tử, bệnh lý nặng cộng với sự không hợp tác nên điều trị thường kéo dài, rất khó khăn. Ngay trong ngày mùng 1, mùng 2 Tết cũng có bệnh nhân nhập viện vì nguyên nhân này. Bên cạnh đó Trung tâm tiếp nhận 2 trường hợp uống nhầm hóa chất ăn mòn; 6 trường hợp ngộ độc thuốc tây và 5 trường hợp nhập viện vì sốc do dùng ma túy quá liều.
Về ngộ độc rượu, thống kê tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, một số trường hợp nặng khi chuyển đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai đã bị xuất huyết tiêu hóa, vỡ tĩnh mạch thực quản do uống quá nhiều rượu. Vào mùng 5 Tết, 1 trường hợp trong số này đã tử vong. Hiện tại, kho cũng đang điều trị một bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa vì lý do này, bệnh nhân có tiền sử uống mỗi ngày nửa lít rượu, dịp tết uống nhiều hơn.
BS Nguyễn Anh Tuấn cảnh báo, sau Tết, số ca ngộ độc rượu sẽ tăng cao do người dân đi làm trở lại, chúc tụng, nhậu nhẹt đầu xuân tưng bừng. "Nhiều trường hợp uống rượu xịn vẫn bị ngộ độc như thường. Trường hợp ngộ độc nặng ngoài hôn mê có thể bị trụy mạch, suy hô hấp, tử vong", BS Anh Tuấn cảnh báo.
Bảo An (tổng hợp)