Theo tin tức từ PLO, trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/8, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã giải thích về việc thu hồi sổ hộ khẩu khi triển khai Luật Cư trú mới gây phiền hà cho người dân trong giai đoạn chuyển tiếp từ quản lý hộ khẩu bằng giấy sang điện tử.
Theo đó, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết mục tiêu của việc chuyển đổi quản lý dân cư từ thủ công sang điện tử, trên cơ sở xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Lúc ấy, sổ hộ khẩu truyền thống sẽ không còn ý nghĩa. Mỗi người dân chỉ cần mang theo căn cước công dân gắn chíp là có thể tiến hành các giao dịch dân sự.
Bên cạnh đó, vị lãnh đạo Bộ Công an khẳng định: “không có chủ trương thu hộ khẩu lại để làm khó cho nhân dân"
Luật Cư trú 2020 quy định từ ngày 1/12023, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Do đó, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp sẽ chỉ còn được sử dụng đến ngày 31/12/2022..
Căn cứ khoản 2, điều 26 Thông tư 55/2021/TT-BCA của Bộ Công an quy định, khi công dân thực hiện các thủ tục như đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú khiến thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thay đổi thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của luật Cư trú và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Quá trình thực hiện các thủ tục trên với công an địa phương, nếu sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bị thay đổi thông tin thì cơ quan công an sẽ thu hồi và chuyển sổ giấy kèm hồ sơ đăng ký cư trú vào tàng thư hồ sơ cư trú, bảo quản, lưu trữ theo quy định.
Nghĩa là từ ngày 1/7/2021, khi người dân đi làm các thủ tục trên mà dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì sẽ bị thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, trung tướng Tô Văn Huệ, cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an), cho biết kể từ khi Luật cư trú có hiệu lực, Bộ Công an không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Ông Huệ cũng nêu rõ Căn cước công dân gắn chip là giấy tờ pháp lý mà người dân có thể dùng để chứng minh hoặc xác thực thông tin về cư trú khi làm các thủ tục hành chính, không cần sổ hộ khẩu.
Tuy nhiên, theo ông Huệ, dù quy định của luật như vậy nhưng thực tế vẫn có một số cơ quan, đơn vị yêu cầu người dân phải mang sổ hộ khẩu gốc đến để đối chiếu khi làm các thủ tục hành chính về đất đai, nhập học, vay vốn...
Do đó để giải quyết tạm thời và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cơ quan công an sẽ thực hiện cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú cho người dân. Để được cấp người dân có thể gửi yêu cầu cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú đến cổng dịch vụ công quốc gia hoặc bất kỳ cơ quan quản lý cư trú nào trên cả nước (không phụ thuộc vào nơi đăng ký thường trú). Thời hạn giải quyết là 3 ngày.
Ông Huệ nêu rõ sau này khi các cơ sở dữ liệu khác được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì các thông tin về cư trú sẽ được sử dụng từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay vì cấp giấy.