Trao đổi với PV Người Lao Động, cụ Danh Tóc (84 tuổi; ngụ khu vực Kinh Chùa thuộc ấp Tân Hưng, xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) cho biết cách đây gần 1 tuần, cạnh hàng rào nhà cụ xuất hiện 1 nụ hoa lạ nở lên từ lòng đất.
Nghĩ là loại hoa "thần" và "linh thiêng" nên cụ Tóc mua gạch về xây bao quanh rồi lập luôn cả bàn thờ cho nhiều người trong xóm đến cúng bái. Thậm chí cụ còn bố trí hệ thống đèn màu để tăng phần rực rỡ cho nụ hoa vào ban đêm rồi dùng lưới bao quanh khu vực này. Nhiều người dân nghĩ là hoa "thánh" nên đã thắp hương cúng bái.
Tuy nhiên, trao đổi với PV TTXVN, ông Hàng Văn Đô, trưởng Ban tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành (Kiên Giang) cho biết, đây chỉ là loại hoa thường do ít được trồng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang nên khi thấy hoa tự mọc dưới đất lên thì người dân đồn thổi là "hoa thánh".
Do nhiều người thêu dệt theo chiều hướng mê tín, dị đoan, chính quyền xã Giục Tượng đã cử người xuống giữ trật tự và khuyên bà con không cúng bái vì đây chỉ là loài hoa thông thường. Bên cạnh đó, chính quyền xã Giục Tượng và huyện Châu Thành cử nhiều cán bộ xuống trực tiếp giải thích, khuyên bà con không nên mê tín, cúng bái.
Được biết, đây là loài hoa được nhiều người đặt cho cái tên rất giống với mùi xác chết của động vật là hoa xác thối. Nó là hoa của cây nưa chuông (hay khoai nưa) mọc rất nhiều ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và khu vực miền Trung nước ta.
Cây nưa chuông ở nhà cụ ông Tóc có thể nằm trong đất từ lâu, khi gặp điều kiện thuận lợi thì nở hoa.
Cây nưa chuông thuộc họ ráy, có tên khoa học là Amorphophallus Konjac K. Koch.
Nưa chuông thường ra hoa tháng vào 4 - 5, ra quả tháng 10 – 11, mọc tự nhiên ở các khu rừng thứ sinh, rừng bị tác động có độ cao dưới 800 m so với mực nước biển. Tại Việt Nam, nưa chuông sinh sống rải rác trong khu rừng thứ sinh các tỉnh miền Bắc.
Sau một thời gian mọc, nưa chuông có mùi rất thối nhưng là loại thức ăn tốt cho người bệnh tiểu đường và bệnh béo phì. Bột củ nưa được một số nơi dùng sản xuất bánh mỳ.