Mới đây, câu chuyện khó tin về người đàn ông dành 3 năm đào lối đi riêng giữa quả đồi thu hút sự quan tâm của hàng nghìn cư dân mạng.
Theo Oddity Central, ông Melethuveettil Sasi, 63 tuổi, người phải rất khó khăn mới có thể bước đi và di chuyển cánh tay phải, đã miệt mài đào con đường đất 200 mét xuyên qua ngọn đồi trước cửa nhà để có thể nuôi sống gia đình trở lại.
Sasi từng sống bằng nghề leo hái dừa. Ông làm công việc này từ khi 15 tuổi, nhưng 18 năm trước, trong một lần không may, Sasi bị ngã khi đang trèo cây và bị rơi xuống đất.
Toàn thân phải của Sasi khi đó bị liệt, mất vài tháng sau ông mới có thể di chuyển chân tay của mình trở lại. Các con của Sasi đã phải bỏ học để làm việc hỗ trợ gia đình, trong khi cha liệt giường.
"Tôi từng là người leo cây giỏi nhưng hôm đó bị trượt chân. Một bên cơ thể tôi vì thế mà liệt, gãy chân tay. Tôi mất nhiều tháng trên giường bệnh, không thể di chuyển nổi", Sasi kể lại trên The News Minute.
"Phải mất đến hàng năm tôi mới đứng dậy trở lại được. Nhưng tôi muốn đi, nên tôi tự học đi bộ, từ từ", Sasi nói.
Sau nhiều năm trị liệu vật lý, ông Sasi đã có thể kiểm soát tay phải và bước đi được, dẫu không bao giờ trèo cây nổi nữa. Tính kế sinh nhai, Sasi định mua xe 3 bánh để đến thành phố gần đó bán vé số. Tất cả những gì ông cần là chút hỗ trợ tài chính từ chính quyền địa phương. Xong khi nộp đơn xin, Sasi bị cười nhạo. Người ta nói liệu ông có định bay qua ngọn đồi đất trước nhà mình hay không.Mất mười năm Sasi viết đơn xin xây đường đến nhà ông, nhưng không ai giúp.
Năm 2013, chán ngán vì bị từ chối, Sasi quyết định tự đào đường. Chỉ với xẻng và cây đẽo, chẳng nghĩ đến bao giờ thì xong, ông đều đặn mỗi ngày đào từ 5 giờ sáng đến 8.30 nghỉ tay khi trời bắt đầu nóng, và lại loay hoay đào từ 3.30 - 4 giờ chiều cho tới tận lúc mặt trời khuất bóng.
Những người hàng xóm trước đây nghĩ Sasi thật điên rồ, nhưng từ khi nhìn thấy thành quả của ông, họ bắt đầu ủng hộ. Con đường đã được đào nhưng Sasi gặp khó khăn khác là vướng một cây cột điện. Một lần nữa ông lại cần đến sự giúp đỡ của chính quyền để di dời cột điện ra khoảng vài feet, nhưng họ không sẵn lòng giúp đỡ.
Sau khi câu chuyện về người đàn ông tàn tật tự đào đường xuyên đồi dược lan tỏa trực tuyến, áp lực từ công chúng đã khiến chính quyền phải di dời chướng ngại vật.
Và điều tuyệt vời nhất là, Sasi, người đàn ông khuyết tật giàu nghị lực, đã không cần phải nhờ chính quyền địa phương mua cho mình chiếc xe lăn nữa – số tiền đó đã được những cư dân mạng quyên góp và tặng cho Sasi, như là món quà xứng đáng với mồ hôi nước mắt bao nhiêu năm trời của ông.
Hà Trang (tổng hợp)