Núi nợ công khổng lồ của Trung Quốc ngày càng phình lớn, gây lo ngại nghiêm trọng bởi bất cứ cuộc khủng hoảng nào bùng nổ từ đây cũng sẽ liên lụy tới mọi "ngõ ngách" của thế giới
Đó là cảnh báo của cựu giám đốc nghiên cứu và nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kenneth Rogof.
"Nếu có một nước nào trên thế giới có thể thực sự gây nguy hiểm tới các nền kinh tế khác ngày nay thì đó là " - ông Rogof, hiện là giáo sư kinh tế tại Trường ĐH Harvard, nhận định với đài CNBC hôm 6-7. Cũng theo chuyên gia này, Trung Quốc chắc chắn có thể "xuất khẩu" suy thoái bởi mối liên hệ chặt chẽ giữa nền kinh tế số 2 thế giới với thị trường tài chính toàn cầu.
Bình luận của ông Rogoff đưa ra giữa lúc Bắc Kinh - theo cách gọi của tờ The New York Times là "con nghiện" nợ - đang vật lộn "đau đớn" trong khi nỗ lực kìm cương gánh nặng nợ nần ngày càng tăng cao một cách đáng báo động.
"Trung Quốc tìm cách duy trì tăng trưởng kinh tế nhưng có nhiều yếu tố cản trở mục tiêu đó, nhất là khi nước này đang chuyển mô hình kinh tế từ dựa vào xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa" - ông Rogoff phân tích thêm.
Mô hình kinh tế dựa vào tiêu dùng nội địa vốn khắc nghiệt với bất cứ nước nào, lại càng khó khăn với Trung Quốc. Nước này lâu nay thúc đẩy tốc độ tăng trưởng bùng nổ của mình thông qua sự gia tăng tín dụng ồ ạt.
Hồi cuối tháng 5, công ty đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Services (Mỹ) bày tỏ lo ngại nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ đẩy nợ công tăng vọt. Lần đầu tiên kể từ năm 1989, tổ chức này quyết định hạ xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc đại lục từ mức Aa3 xuống A1 và thay đổi triển vọng của nền kinh tế số 2 từ ổn định sang tiêu cực.
Dữ liệu mới nhất từ Viện Tài chính quốc tế (IIF) cho thấy tổng nợ công của Trung Quốc ước tính đã lên tới con số kỷ lục mới là 304% trên GDP tính tới tháng 5-2017.
Tỉ lệ nợ công của nền kinh tế số 2 thế giới đang ở mức quá cao so với các nền kinh tế đang phát triển khác trong khu vực và nguy hiểm hơn cả là tốc độ nợ công/GDP tại Bắc Kinh lại tăng quá nhanh (năm 2007 con số này mới chỉ đạt 148%).
Tình trạng của Trung Quốc hiện nay được đánh giá là khá giống giai đoạn trước cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ vào năm 2008, khi các hệ thống ngân hàng và thị trường tín dụng bị tê liệt.