Theo tin tức trên BGR, các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Texas tại thành phố San Antonio đã tìm ra những gì có thể được coi là một yếu tố quan trọng trong hành vi của SARS-CoV-2. Hóa ra, virus này có cách ngụy trang một lần trong tế bào để tránh bị phát hiện. Điều đó không phải lúc nào cũng xảy ra, nhưng nó có thể giải thích tại sao virus mới này lại trở nên nguy hiểm và tại sao một số bệnh nhân lại gặp khó khăn hơn trong việc loại bỏ nó.
Các nhà nghiên cứu đã công bố công trình của họ trên tạp chí Nature, giải thích kỹ thuật ngụy trang cho phép virus thoát khỏi các phản ứng phòng vệ ngay lập tức.
Cụ thể, họ đã xác định được một loại enzyme có tên nsp16 mà virus tạo ra và sau đó sử dụng để sửa đổi mũ RNA của nó. Khi virus liên kết với các tế bào, nó sử dụng RNA của mình để hướng dẫn các tế bào đó tạo ra hàng ngàn bản sao virus. Các tế bào bị phá hủy trong quá trình này và các bản sao mới có thể lây nhiễm các tế bào khác. Hệ thống miễn dịch sẽ chặn một số trong số chúng và cũng sẽ phá hủy các tế bào bị nhiễm bệnh. Trận chiến diễn ra ở cấp độ tế bào và đây là một quá trình quan trọng ảnh hưởng đến sự phục hồi của bệnh nhân.
>> Xem thêm: Quảng Nam phát hiện thêm 2 ca nghi nhiễm Covid-19
"Đây là một sự ngụy trang", tác giả chính của báo cáo, tiến sĩ Yogesh Gupta nói về cơ chế này. "Vì các sửa đổi đã đánh lừa tế bào, kết quả về RNA thông tin của virus lại được coi là một phần của mã riêng của tế bào, chứ không phải đến từ bên ngoài."
Phát hiện này có thể có ý nghĩa đối với sự phát triển thuốc kháng virus trong tương lai. Các loại thuốc mới có thể dựa vào đó để nhắm mục tiêu enzyme nsp16 và ngăn nó thực hiện bất kỳ thay đổi nào. Do đó, hệ thống miễn dịch sẽ nhận ra virus nhanh hơn và bắt đầu chiến đấu với nó sớm hơn. Và những loại thuốc này có thể tăng tốc độ phục hồi của bệnh nhân.
Trong một diễn biến khác, theo Nhân Dân và TTXVN, một nghiên cứu vừa được đăng trên trang bioRxiv do một nhóm các nhà khoa học thuộc Tổ chức WCS (bảo vệ các loài động vật và vùng hoang dã trên toàn thế giới), Cục Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Viện Một sức khỏe thuộc Đại học California, Davis thực hiện đã cho thấy: Chuỗi cung ứng động vật hoang dã làm thực phẩm đã gia tăng nguy cơ lây truyền virus Corona sang con người.
Nghiên cứu này có sự tham gia, đóng góp công sức rất lớn của các đối tác tại Việt Nam, từ lấy mẫu tại thực địa cho tới xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và áp dụng các phương pháp khoa học quan trọng để hiểu, xác định được các mối đe dọa về bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người.
Phương pháp chẩn đoán sử dụng kỹ thuật PCR (phản ứng chuỗi trùng hợp) là công cụ hiệu quả giúp phát hiện cả các virus đã biết và virus mới, đồng thời phát hiện được sự đồng nhiễm trên nhiều loài, nhiều mẫu và nhiều khu vực tiếp xúc khác nhau.
>> Xem thêm: WHO: Không thể cấm đi lại mãi, các nước phải chiến đấu với Covid-19
Nhóm nghiên cứu đã thu thập mẫu tại 70 địa bàn ở Việt Nam và phát hiện 6 loại virus Corona đã biết. Hiện nay chưa có bằng chứng cho thấy, các virus này là mối đe dọa với sức khỏe con người.
Nghiên cứu này giúp nâng cao năng lực giám sát theo hướng tiếp cận Một Sức khỏe của Việt Nam, nhằm phát hiện các virus mới nổi hoặc virus chưa từng được biết tới ở người, động vật hoang dã và động vật nuôi thông thường trong tương lai.
Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ dương tính với virus Corona khá cao trên chuột đồng được chế biến làm thực phẩm cho con người. Tỷ lệ dương tính tăng lên một cách đáng kể dọc theo chuỗi cung ứng từ thương lái (21%), tới các khu chợ (32%) và nhà hàng (56%).