SCMP đưa tin người quản lý quán bar ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam đã gắn thẻ nữ nhân viên này trong nhóm WeChat của họ vào tuần trước, yêu cầu cô gửi một số tài liệu cuộc họp. Cô này đã gửi cho sếp biểu tượng cảm xúc "OK" thay vì viết chữ hồi âm. "Cô nên dùng văn bản để trả lời tin nhắn nếu như cô nhận được nó. Cô không biết những quy tắc này à?", người sếp phản hồi.
Một vài phút sau, ông này đã yêu cầu cô nhân viên liên lạc với bộ phận nhân sự và chấp nhận đơn từ chức của cô. "Đây là chuyện có thật, việc từ chức vẫn đang được xử lý. Tôi đã làm việc nhiều năm và đây là lần đầu tiên tôi gặp tình huống ngớ ngẩn này. Tôi là một người dễ tính nên sẽ không trả đũa", nhân viên này nói.
Người phụ nữ cho biết các đồng nghiệp của cô đồng ý rằng cách hành xử của quản lý là thái quá. Sau vụ việc, ông này còn đưa ra một tuyên bố chính thức trong nhóm, yêu cầu tất cả mọi người sử dụng từ "được" khi trả lời tin nhắn.
Ảnh chụp màn hình cuộc trò chuyện đã lan truyền trên trang Weibo với 280 triệu lượt xem cho những bài đăng về chủ đề này. Người nhân viên đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cư dân mạng. Rất nhiều bình luận được đưa ra, như: "Nếu sếp đã muốn sa thải bạn thì bất cứ lý do nào cũng hợp lệ", "Thành thật mà nói, tôi sẽ không trả lời tin nhắn của anh ta" và "Tôi nghĩ một lãnh đạo tốt nên chấp nhận cách giao tiếp và cá tính riêng của mỗi người".
Wang Li-ping, một giáo sư chuyên về quản lý và nhân sự tại ĐH Kinh doanh Nhân dân nói rằng "đây là một lý do tùy tiện để sa thải nhân viên. Nhưng đây là những gì có thể xảy ra tại những công ty vừa và nhỏ khi họ không có quy định hoặc hệ thống toàn diện liên quan tới tình huống kiểu này".
Đây không phải lần đầu tiên những nhân viên Trung Quốc bị quản lý cáo buộc "kỷ luật kém" trong tin nhắn văn bản. Đầu tháng này, một nhân viên đã bị sếp mắng vì "ứng xử kém trên WeChat" khi nhắn lại chỉ một chữ "Um" (có nghĩa là "đã lưu ý") cho lãnh đạo.